BÁO CÁO CẬP NHẬT NHANH SỐ LIỆU VĨ MÔ QUÝ 3/2019

13
500
  • GDP quý 3 tăng +7.31%, mức tăng cao nhất 3 quý (quý 1 và quý 2 tăng +6.82% và +6.71%) và cao hơn so với quý 3 cùng kỳ 2018 (+6.82%). Công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao +11.68% cùng với Khai khoáng tăng trưởng dương +4.5% đã bù đắp cho ngành Nông nghiệp tăng trưởng âm -0.08%. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt +6.98%, bằng đúng mức tăng của 9 tháng 2018 và cao hơn so với mục tiêu 6.6-6.8% của năm 2019.
  • Đúng như dự báo, Nông nghiệp giảm âm do ảnh hưởng của Elnino và Thủy sản cũng giảm tốc xuống +5.53% (quý 2 còn tăng +7.03%). Thị trường xuất khẩu vẫn không thuận lợi với Thủy sản là nguyên nhân chính khiến ngành Thủy sản tăng trưởng chậm lại. Xuất khẩu thủy sản tháng 9 giảm -2.9% YoY và tính chung quý 3, xuất khẩu thủy sản giảm -2% (6 tháng đầu năm giảm -1.8%).
  • Công nghiệp chế biến chế tạo đạt tăng trưởng cao nhất 3 quý là một bất ngờ bởi Chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng mạnh lên +12.3% trong tháng 9 sau khi đứng ở 10.3-10.4% trong tháng 7 và tháng 8. Đóng góp cho sự cải thiện trong tháng 9 đáng kể nhất là công nghiệp Điện tử, tăng +14.6% trong khi 8 tháng trước đó chỉ tăng +3.8%.
  • Sản lượng điện thoại sản xuất trong tháng 9 tăng +17.5%, cao hơn mức tăng của tháng 8 nhưng thấp hơn tháng 7 (22.6%). Tính chung quý 3, sản lượng điện thoại tăng +34%, cao hơn nhiều mức tăng của 6 tháng là 11%. Đây có thể là lý do giúp Công nghiệp Điện tử cải thiện mạnh trong quý 3. Dẫu vậy, có sự không trùng khớp giữa chỉ số công nghiệp với tăng trưởng sản lượng điện thoại. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu điện thoại quý 3 cũng chỉ có chút ít cải thiện, đạt +7% (6 tháng tăng +4%).
  • Tương tự các tháng 7 và 8, khai thác than và quặng kim loại tăng rất mạnh trong tháng 9 giúp kéo tăng trưởng ngành Khai khoáng trong quý 3. Nếu như khai thác than tăng là để sản xuất nhiệt điện bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung thủy điện thì khai thác quặng kim loại hiện chưa rõ nguyên nhân. Một khả năng là khai thác các loại kim loại quý đã được tận dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Xuất khẩu kim loại quý, đá quý và sản phẩm trong quý 3 tăng tới 747%.
  • CPI tháng 9 tăng +0.32% so với cuối tháng 8, mức cao nhất 4 tháng. CPI Giáo dục tăng cao nhất, 3.15% do vào mùa khai giảng, tiếp đến là CPI Lương thực, Thực phẩm. Do nền cao của cùng kỳ, CPI tháng 9 tăng +1.98% và 9 tháng tăng +2.5%, đều ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Nhìn sang quý 4, áp lực lạm phát sẽ gia tăng do yếu tố nền cao có thể bị đảo ngược thành nền thấp (CPI tháng 11 và 12 năm 2018 giảm âm) và CPI Thực phẩm có nguy cơ tăng mạnh do giá thịt lợn cùng mùa cao điểm cuối năm.
  • Xuất khẩu tháng 9 đạt 23 tỷ USD, tăng +9% YoY, mức thấp nhất 3 tháng. Xuất khẩu khối trong nước tiếp tục khả quan, tăng +24.4%, ngược lại khối FDI chỉ tăng +3.5%, thấp nhất 7 tháng. Nhập khẩu tháng 9 là 22.5 tỷ USD, tăng +15.6%, mức cao nhất 5 tháng. Nhập khẩu máy móc thiết bị tăng mạnh 16%, cũng cao nhất 5 tháng tiếp tục là chỉ báo tích cực cho thấy sự mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt nam. Xuất siêu tháng 9 ước tính là 500 triệu USD, lũy kế từ đầu năm xuất siêu 5.8 tỷ USD.
  • Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý III/2019 tăng +10.5%, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 3,7%, khu vực tư nhân tăng +17.5% và khu vực FDI tăng +6.3%. Tính chung 9 tháng, vốn đầu tư toàn xã hội tăng +10.3%. Vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 9 tháng ước tính đạt 224 nghìn tỷ đồng, bằng 59.7% kế hoạch năm và chỉ tăng 4.8% (cùng kỳ năm 2018 bằng 60.7% và tăng 11.4%). Nút thắt đầu tư công đang là một nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm lại.

– Nguồn SSI –

13 COMMENTS

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here