GDP là gì? Những điều cần nắm rõ

0
307

Các chỉ số kinh tế vĩ mô là các số liệu thống kê cho thấy trạng thái kinh tế hiện thời của một quốc gia. Các chỉ số này được các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân xuất bản đều đặn vào một thời điểm nhất định. Những chỉ số này đóng góp tầm nhìn về năng lực kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực cụ thể, và do đó có thể gây ra tác động lớn trên thị trường.

1. Khái niệm và phương pháp tính tổng sản phẩm trong nước (GDP)

GDP (Gross Domestic Product) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là quý, năm).

Chỉ số GDP giảm có thể dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, tiền mất giá… Những ảnh hưởng tiêu cực này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Ngoài ra, GDP là yếu tố giúp các các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá về tiềm năng phát triển của một quốc gia, từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

Dựa vào chỉ số GDP, Chính phủ mỗi quốc gia ban hành các chính sách tiền tệ phù hợp với nền kinh tế.

1.1. Phương pháp đo lường và công thức

a. Phương pháp chi tiêu

Theo phương pháp chi tiêu, tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia là tổng số tiền mà các hộ gia đình trong quốc gia đó chi mua các hàng hóa cuối cùng. Như vậy trong một nền kinh tế giản đơn ta có thể dễ dàng tính tổng sản phẩm quốc nội như là tổng chi tiêu hàng hóa và dịch vụ cuối cùng hàng năm.

GDP (Y) là tổng của tiêu dùng (C)đầu tư (I)chi tiêu chính phủ (G) và cán cân thương mại (xuất khẩu ròng, X – M).

  • Y = C + I + G + (X – M)

Chú giải:

  • TIÊU DÙNG – consumption (C) bao gồm những khoản chi cho tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình về hàng hóa và dịch vụ. (xây nhà và mua nhà không được tính vào TIÊU DÙNG mà được tính vào ĐẦU TƯ TƯ NHÂN).
  • ĐẦU TƯ – investment (I) là tổng đầu tư ở trong nước của tư nhân. Nó bao gồm các khoản chi tiêu của doanh nghiệp về trang thiết bị và nhà xưởng hay sự xây dựng, mua nhà mới của hộ gia đình. (lưu ý hàng hóa tồn kho khi được đưa vào kho mà chưa đem đi bán thì vẫn được tính vào GDP)
  • CHI TIÊU CHÍNH PHỦ – government purchases (G) bao gồm các khoản chi tiêu của chính phủ cho các cấp chính quyền từ TW đến địa phương như chi cho quốc phòng, luật pháp, đường sá, cầu cống, giáo dục, y tế,… Chi tiêu chính phủ không bao gồm các khoản CHUYỂN GIAO THU NHẬP như các khoản trợ cấp cho người tàn tật, người nghèo,…
  • XUẤT KHẨU RÒNG – net exports (NX)= Giá trị xuất khẩu (X)- Giá trị nhập khẩu(M)

b. Phương pháp thu nhập hay phương pháp chi phí

Theo phương pháp thu nhập hay phương pháp chi phí, tổng sản phẩm quốc nội bằng tổng thu nhập từ các yếu tố tiền lương (wage), tiền lãi (interest), lợi nhuận (profit) và tiền thuê (rent); đó cũng chính là tổng chi phí sản xuất các sản phẩm cuối cùng của xã hội.

  • GDP = W + R + i + Pr + Ti + De

Trong đó:

  • W là tiền lương
  • R là tiền cho thuê tài sản
  • i là tiền lãi
  • Pr là lợi nhuận
  • Ti là thuế gián thu ròng
  • De là phần hao mòn (khấu hao) tài sản cố định

c. Phương pháp giá trị gia tăng:

Giá trị gia tăng của doanh nghiệp ký hiệu là (VA), giá trị tăng thêm của một ngành (GO), giá trị tăng thêm của nền kinh tế là GDP

  • VA = Giá trị thị trường sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp – Giá trị đầu vào được chuyển hết vào giá trị sản phẩm trong quá trình sản xuất

Giá trị gia tăng của một ngành (GO)

GO =∑ VAi (i=1,2,3,..,n)

Trong đó:

  • VAi là giá trị tăng thêm của doanh nghiệp i trong ngành
  • n là số lượng doanh nghiệp trong ngành

Giá trị gia tăng của nền kinh tế GDP

GDP =∑ GOj (j=1,2,3,..,m)

Trong đó:

  • GOj là giá trị gia tăng của ngành j
  • m là số ngành trong nền kinh tế

Lưu ý là kết quả tính GDP sẽ là như nhau với cả ba cách trên. Ở Việt Nam GDP được tính toán bởi Tổng cục thống kê dựa trên cơ sở các báo cáo từ các đơn vị, tổ chức kinh tế cũng như báo cáo của các Cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn ở Mỹ GDP được tính toán bởi Cục phân tích kinh tế.

1.2. GDP danh nghĩa và thực tế

GDP danh nghĩa là tổng sản phẩm nội địa theo giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ cuối cùng tính theo giá hiện hành. Sản phẩm sản xuất ra trong thời kỳ nào thì lấy giá của thời kỳ đó. Do vậy còn gọi là GDP theo giá hiện hành.

GDP thực tế là tổng sản phẩm nội địa tính theo sản lượng hàng hoá và dịch vụ cuối cùng của năm nghiên cứu còn giá cả tính theo năm gốc do đó còn gọi là GDP theo giá so sánh. Theo cách tính toán về tài chính-tiền tệ thì GDP thực tế là hiệu số của GDP tiềm năng trừ đi chỉ số lạm phát CPI trong cùng một khoảng thời gian dùng để tính toán chỉ số GDP đó.

GDP thực tế được đưa ra nhằm điều chỉnh lại của những sai lệch như sự mất giá của đồng tiền trong việc tính toán GDP danh nghĩa để có thể ước lượng chuẩn hơn số lượng thực sự của hàng hóa và dịch vụ tạo thành GDP.

1.3. GDP bình quân đầu người

GDP bình quân đầu người của một quốc gia hay lãnh thổ tại một thời điểm nhất định là giá trị nhận được khi lấy GDP của quốc gia hay lãnh thổ này tại thời điểm đó chia cho dân số của nó cũng tại thời điểm đó.

GDP bình quân đầu người được đánh giá cụ thể là một thước đo phổ quát trên toàn cầu để đo lường mức độ giàu có của các quốc gia. 

2. GDP bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?

GDP chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, tuy nhiên có 03 yếu tố chính ảnh hưởng nhiều nhất đến chỉ số GDP:

Dân số: là nguồn cung cấp lao động để tạo ra của cải vật chất và cũng là đối tượng tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra. Dân số và GDP có mối quan hệ tác động qua lại không thể tách rời. Dân số chính là một trong những yếu tố không thể thiếu để tính GDP bình quân đầu người.

FDI: là chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài. FDI bao gồm tiền, phương tiện sản xuất, cơ sở hạ tầng…

Lạm phát: là sự tăng giá chung một cách liên tục của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian và thể hiện sự mất giá trị của một loại tiền tệ. Một quốc gia muốn tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao thì phải chấp nhận lạm phát. Tuy nhiên, khi lạm phát cao quá mức cho phép sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, vì vậy nhà nước luôn phải có các chính sách để kiểm soát lạm phát.

3. Những vấn đề cần lưu ý
3.1. Phân biệt GDP với GNP

GNP (Gross National Product ) hay tổng sản phẩm quốc gia là tổng giá trị bằng tiền của các sản phẩm cuối cùng và dịch vụ mà công dân của một nước làm ra trong một khoảng thời gian nào đó.

GDP khác GNP ở chỗ loại bỏ việc chuyển đổi thu nhập giữa các quốc gia, nó được quy theo lãnh thổ mà sản phẩm được sản xuất ở đó hơn là thu nhập nhận được ở đó. Chẳng hạn như một nhà máy sản xuất đồ ăn nhanh đặt tại Việt Nam do công dân Mỹ đầu tư để tiêu thụ nội địa, khi đó mọi thu nhập từ nhà máy này sau khi bán hàng được tính vào GDP của Việt Nam, tuy nhiên lợi nhuận ròng thu được (sau khi khấu trừ thuế phải nộp và trích nộp các quỹ phúc lợi) cũng như lương của các công nhân Mỹ đang làm việc trong nhà máy được tính là một bộ phận trong GNP của Mỹ.

3.2. So sánh xuyên quốc gia

GDP của các quốc gia khác nhau có thể so sánh bằng cách chuyển đổi giá trị của chúng (tính theo nội tệ) sang bằng một trong hai phương thức sau:

  • Tỷ giá hối đoái hiện tại: GDP được tính theo tỷ giá hối đoái thịnh hành trên các thị trường tiền tệ quốc tế.
  • Ngang giá sức mua hối đoái: GDP được tính theo sự ngang giá của sức mua của mỗi loại tiền tệ tương đối theo một chuẩn chọn lựa (thông thường là đồng đôla Mỹ).

Thứ bậc tương đối của các quốc gia có thể lệch nhau nhiều giữa hai xu hướng tiếp cận kể trên. Phương pháp tính theo sự ngang giá của sức mua tính toán hiệu quả tương đối của sức mua nội địa đối với những nhà sản xuất hay tiêu thụ trung bình trong nền kinh tế. Nó có thể sử dụng để làm chỉ số của mức sống đối với những nước chậm phát triển là tốt nhất vì nó bù lại những điểm yếu của đồng nội tệ trên thị trường thế giới. Phương pháp tính theo tỷ giá hối đoái hiện tại chuyển đổi giá trị của hàng hóa và dịch vụ theo các tỷ giá hối đoái quốc tế. Nó là chỉ thị tốt hơn của sức mua quốc tế của đất nước và sức mạnh kinh tế tương đối.

3.3. Những mặt hạn chế của chỉ số GDP

Mặc dù GDP được sử dụng rộng rãi trong kinh tế, giá trị của nó như là một chỉ số vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Sự phê phán sử dụng GDP bao hàm các điểm sau:

  • Kết quả tính GDP theo các phương thức khác nhau làm người ta bối rối, nhất là khi so sánh xuyên quốc gia.
  • GDP là một chỉ số về kích cỡ của nền kinh tế, nhưng lại không chuẩn xác trong đánh giá mức sống, vì giá cả hàng hoá ở mỗi nước là khác nhau (ví dụ: 1 USD ở Ấn Độ có thể mua lượng hàng hoá tương đương 4 USD tại Nhật Bản, cùng với mức thu nhập 1000 USD/tháng, một người sẽ sống nghèo khổ tại Nhật Bản nhưng nếu ở Ấn Độ thì người đó sẽ sống khá giả)
  • GDP không tính đến kinh tế ngầm, kinh tế phi tiền tệ như kinh tế trao đổi, các công việc tình nguyện, chăm sóc trẻ em miễn phí do các ông bố bà mẹ (không làm việc) đảm nhiệm hay sản xuất hàng hóa tại gia đình, giá trị của thời gian nghỉ ngơi và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tại các nước mà việc kinh doanh thực thi một cách không chính thức chiếm phần lớn thì số liệu của GDP sẽ kém chính xác.
  • GDP không tính đến tính hài hòa của sự phát triển. Ví dụ một nước có thể có tốc độ tăng trưởng GDP cao do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.
  • GDP tính cả những công việc không đem lại lợi ích ròng và không tính đến những hiệu ứng tiêu cực. Ví dụ, một xí nghiệp làm tăng GDP nhưng gây ô nhiễm một con sông, và người ta phải mua máy lọc để cải tạo lại con sông. Việc này cũng làm tăng GDP, nhưng thực tế lại gây tổn hại cho đất nước.
  • GDP cũng không cho ta sự phản ánh trung thực của sự phân chia lợi ích trong phạm vi đất nước. Có thể có những nhóm người không thu được lợi ích gì từ GDP chung. GDP cao có thể là do một số người giàu có sở hữu phần lớn nền kinh tế, trong khi đa số dân chúng vẫn sống dưới mức nghèo khổ.

Vì còn nhiều hạn chế nên có những chỉ số khác thay thế GDP. Một chỉ số bổ sung là sức mua tương đương (PPP), theo đó GDP được điều chỉnh dựa theo sự khác biệt trong giá cả hàng hoá tại mỗi quốc gia, nước nào có giá cả rẻ hơn thì sẽ được tính PPP cao lên và ngược lại. Sự điều chỉnh này sẽ phản ánh chính xác hơn mức sống của người dân mỗi nước.

 

Xem thêm:

 

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here