“Cắt lỗ” – Nguyên tắc tối thượng trong đầu tư chứng khoán

13
1092

“Cắt lỗ” – công việc mà bất cứ một nhà đầu tư chứng khoán nào cũng đều không muốn phải thực hiện. Tuy nhiên, nếu không hành động kịp thời và dứt khoát thì thành quả đầu tư của bạn sẽ tan thành mây khói. Hiểu được nguyên nhân vì sao cần phải “cắt lỗ” và thực hiện “cắt lỗ” sao cho hợp lý là bài học mà mọi nhà đầu tư đều phải nhớ kỹ.

I. Thiệt hại khôn lường nếu không “cắt lỗ” kịp thời

Vấn đề ở đây nằm ở tính “tự tin thái quá” của mỗi người. Khi bước chân vào thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng mình đủ thông minh và với vốn kiến thức “uyên bác” này, họ có thể dễ dàng chiến thắng.

Cùng với đó là “cái tôi quá cao”, “tính ngoan cố quá lớn” sẽ khiến bạn không dễ dàng gì tuân theo nguyên tắc “cắt lỗ” ngay từ đầu.

Khi thấy cổ phiếu đang nắm giữ giảm giá, bạn thường mắc sai lầm xem nhẹ và lờ đi số % lỗ ít ỏi, cũng như không lên kế hoạch để bảo vệ khoản đầu tư của mình nên không thấy được hậu quả của hành vi “ôm lỗ” mang lại.

Chứng+ lấy ví dụ về cố phiếu HAG

Lãi gấp 2 là con số HAG mang lại cho nhà đầu tư giai đoạn 2009 – 2011, một mức lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, trong 1 năm sau đó, HAG đã quay đầu giảm sâu, cuốn bay mọi thành quả có được trước đấy, thậm chí tiếp tục giảm mạnh gấp 10 lần vào năm 2015 – 2016.

Một số cổ phiếu khác như TTF, DLG, ROS, BII, OGC, DL1, QCG…

Như vậy, nếu bạn không “cắt lỗ” kịp thời, tài sản của bạn có thể “bốc hơi” mà bạn không thể làm gì được.

Bạn mua một cổ phiếu với hi vọng tìm kiếm lợi nhuận, vậy nên, khi giá đi xuống bạn rất khó bán chúng đi và chấp nhận thua lỗ, bạn thường hy vọng giá cổ phiếu sẽ hồi phục và khi đó, bạn mới bán chúng.

Tuy nhiên!

Với việc lỗ 5% thì bạn cần đầu tư lãi sau đó 5.3% thì mới hoàn vốn. Nếu số lỗ là 20% thì bạn phải lãi 25%, và khi số lỗ lên đến 50% thì bạn phải lãi 100% thì mới hoàn vốn (nhưng biết tìm đâu cho được một cổ phiếu tăng giá gấp đôi trên thị trường chứng khoán Việt Nam???)

“Đừng tập trung vào việc kiếm tiền, hãy tập trung bảo vệ những gì bạn có” – Paul Tudor Jones

Có thể thấy rõ, khi rơi vào tình cảnh phải “cắt lỗ”, bạn càng thực hiện sớm bao nhiêu thì số tiền đầu tư của bạn sẽ được bảo vệ nhiều bấy nhiêu. Khi đó, cơ hội để bạn có thể sửa sai, kiếm lại số tiền đã mất sẽ nhanh hơn là việc bạn ngồi chờ giá cổ phiếu hồi phục và bán nó.

II. Nguyên nhân nào dẫn đến sai lầm khiến bạn phải “cắt lỗ”

Có rất nhiều sai lầm cơ bản trong đầu tư buộc bạn phải “cắt lỗ”, như: Mua bán theo tin đồn, việc sử dụng Margin quá nhiều, mua bán theo khuyến nghị của người khác hay mua bán cổ phiếu chỉ theo các chỉ báo kỹ thuật,…

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, lý do khiến bạn phải “cắt lỗ” đến từ chính việc Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư của bạn. Việc bạn lựa chọn cổ phiếu của 1 doanh nghiệp làm ăn minh bạch, lành mạnh, có thương hiệu, kết quả kinh doanh ổn định là tự bản thân bạn đã “mua bảo hiểm” cho khoản tiền đầu tư của mình.

III. Vậy “cắt lỗ” thế nào cho đúng?

Trên thực tế, không có một quy tắc cụ thể nào quy định mức thua lỗ cho nhà đầu tư cả. Mỗi cá nhân là một chủ thế có tính cách, tư duy, tính kiên nhẫn cũng như sức chịu đựng khác nhau.

Vì thế, mỗi nhà đầu tư phải tự xây dựng cho mình quy tắc “cắt lỗ” phù hợp với bản thân, và cũng không nhất thiết phải đặt ra mức giới hạn thua lỗ giống nhau cho mọi khoản đầu tư.

“Luôn giới hạn mức thua lỗ tối đa 7 – 8% so với giá mua vào, không có ngoại lệ” – Đây là lời khuyên của William O’Neil – nhà đầu tư nổi tiếng với phương pháp CANSLIM.

Theo ông William O’Neil, nếu bạn cắt lỗ những khoản đầu tư ở mức 7% – 8% và bán một cổ phiếu khi nó tăng giá 25%, như vậy bạn chỉ cần quyết định đúng 1 lần trong khi bạn được phép phạm sai lầm đến 3 lần, mà không rơi vào tình trạng rắc rối. William O’Neil cũng tiết lộ 1 bí quyết thành công, đó là: Nếu bạn sử dụng biểu đồ kỹ thuật để xác định điểm mua bán, việc bạn “mua khi nó vừa vươn lên từ một nền tảng giá ổn định thì cổ phiếu của bạn sẽ hiếm khi rơi xuống 8% so với điểm mua đúng”.

Tuy nhiên, không phải khi cổ phiếu đến ngưỡng giới hạn lỗ của bạn, thì bạn mới “cắt lỗ”. Bạn phải lên kế hoạch “cắt lỗ” ngay khi nhận ra sai lầm của mình và tìm cách giảm thiểu thiệt hại càng sớm càng tốt.

Thậm chí ngay cả khi bạn mới chỉ lời lãi chút ít sau khi mua, nhưng nhận thấy rủi ro tiềm ẩn của một đợt giảm giá mạnh thì bạn cũng nên nhanh chóng kết thúc khoản đầu tư này của mình.

Hãy coi những khoản thua lỗ nhỏ là khoản tiền bảo hiểm phải chăng mà bạn mua trên thị trường chứng khoán.

Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp, cổ phiếu tăng giá ngay sau khi bạn bán ra, thì bạn cũng không việc gì phải tiếc nuối. Vì mục đích cuối cùng của bạn là giữ thua lỗ ở mức an toàn, và vì thế bạn sẽ vẫn còn tiền để đầu tư vào những cơ hội mới, tốt hơn trên thị trường.

Bí quyết để thành công trên thị trường chứng khoán không phải là bạn đúng trong mọi trường hợp, mà là hãy hành động ngay lập tức giảm thiểu tổn thất khi bạn phạm sai lầm.

Tìm hiểu thêm:

13 COMMENTS

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here