NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN KHI ĐỌC BÁO CÁO TÀI CHÍNH

0
863

Đọc và phân tích báo cáo tài chính là một việc cần thiết của kế toán và lãnh đạo doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Bài viết chỉ đi vào việc đọc và hiểu về Báo cáo tài chính doanh nghiệp. Theo chuẩn mực kế toán, Báo cáo tài chính có 4 mẫu biểu :

  • Bảng cân đối tài khoản
  • Báo cáo kết quả kinh doanh
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Thuyết minh báo cáo tài chính
Những chỉ tiêu trên Báo cáo tài chính đã được chuẩn hoá, theo những chuẩn mực chung, quy định chung, để chúng ta có thể đọc được Báo cáo tài chính của mọi công ty. Tuy nhiên, để đọc được Báo cáo tài chính, người đọc phải có một kiến thức thông thường về tài chính, kế toán doanh nghiệp.Báo cáo tài chính là cái nhìn nhiều chiều về tài chính, kế toán trong doanh nghiệp. Vì vậy, mẫu biểu nào cũng mang quan trọng và mang lại thông tin về tài chính khác nhau, nhằm giúp cho người đọc có cái nhìn toàn diện. Để xem cái nhìn toàn diện, nhiều chiều như thế nào. Những nội dung, chỉ tiêu chủ yếu của từng mẫu biểu để các bạn cùng tham khảo:
1. Bảng cân đối kế toán (BCĐKT)
1.1. Bảng cân đối kế toán là gì?
BCĐKT là một Báo cáo tài chính (BCTC) chủ yếu phản ánh tổng quát tình hình tài sản của DN theo giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản tại một thời điểm nhất định (cuối quý, cuối năm). Người ta nói: BCĐKT là bức ảnh chụp nhanh, phải ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm.
1.2. Nội dung kết cấu của BCĐKT
Kết cấu của Bảng cân đối sẽ gồm 2 phần là Tài sản và Nguồn vốn. Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn.
1.2.1. Phần “Tài sản”
Tài sản phản ánh toàn bộ giá trị tài sản hiện có của Doanh nghiệp đến cuối kỳ kế toán. Tổng tài sản = Tài sản Ngắn hạn + Tài sản dài hạn.
a. Tài sản ngắn hạn
Là những loại tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng dưới 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh.Bao gồm các mục chính như:

  • Tiền và tương đương tiền: gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Đây là loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất của doanh nghiệp. Khoản mục này cũng là một trong số ít khoản mục ít bị tác động bởi kế toán.
  • Các khoản phải thu: là số tiền mà khách hàng chưa thanh toán (còn nợ) cho doanh nghiệp. Đây là khoản mục mà bạn cần theo dõi sát sao.
  • Hàng tồn kho: Là giá trị hàng dự trữ của doanh nghiệp. Đó có thể là: nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm hoặc hàng hóa…

Tùy thuộc từng doanh nghiệp mà tỷ trọng phân bổ hàng tồn kho sẽ khác nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất thì sẽ tồn kho một lượng lớn nguyên vật liệu.Trong khi đó, doanh nghiệp thương mại thì thường tồn kho chủ yếu là hàng hóa, thành phẩm.

b. Tài sản dài hạn

Là những tài sản sẽ có thời gian sử dụng trên 1 năm. Trong đó,  Tài sản cố định là khoản mục quan trọng. Tài sản cố định bao gồm: Tài sản hữu hình (như máy móc thiết bị, nhà xưởng, máy tính…) và Tài sản vô hình (như bằng sáng chế, bản quyền phát minh…)

1.2.2. Phần “Nguồn vốn”

Nguồn vốn phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản của DN đến cuối kỳ hạch toán. Tổng Nguồn Vốn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

a. Nợ phải trả

Nợ phải trả thể hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với bên ngoài. Ví dụ như: Chủ nợ, nhà nước, nhà cung cấp, người lao động…Tương tự tài sản, Nợ phải trả cũng được chia làm 2 loại: Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn.

  • Nợ ngắn hạn là những khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính phải thanh toán dưới 1 năm.
  • Nợ dài hạn là những khoản nợ và nghĩa vụ tài chính được phép thanh toán trên 1 năm.

Các khoản mục chính ở phần này bao gồm:

  • Phải trả người bán: Thể hiện số tiền mà doanh nghiệp chưa thanh toán (còn nợ) cho nhà cung cấp.
  • Thuế và các khoản phải nộp nhà nước, Phải trả người lao động…: Tương tự, đây là khoản phải trả của doanh nghiệp đối với nhà nước (về thuế GTGT, thuế TNDN…), phải trả cho người lao động.
  • Vay và nợ ngắn hạn/dài hạn: Là khoản tiền vay nợ tín dụng. Nếu như các khoản nợ trên là nợ chiếm dụng (doanh nghiệp không mất chi phí sử dụng vốn), thì với khoản vay này doanh nghiệp phải trả chi phí sử dụng vốn (trả lãi vay cho ngân hàng).

b. Vốn chủ sở hữu

  • Vốn góp chủ sở hữu: hay vốn cổ phần, là số vốn thực tế được góp vào doanh nghiệp.
  • Lợi nhuận chưa phân phối: Nếu trong năm tài chính, doanh nghiệp quyết định tái đầu tư thì phần lợi nhuận giữ lại sẽ được chuyển từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vào tài khoản này.
  • Ngoài ra có các loại quỹ như Quỹ đầu tư phát triển,…
2. Báo cáo kết quả kinh doanh
2.1. Khái niệm Báo cáo kết quả kinh doanh ( BCKQKD)
BCKQKD là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát tình hình và kết quả kinh doanh trong một kỳ hoạt động của doanh nghiệp. Nói cách khác báo cáo này là phương tiện trình bày khả năng sinh lời và thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Công thức chung ở phần này là: Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

2.2. Nội dung, kết cấu của BCKQKD

BCKQKD thể hiện qua hệ thống các chỉ tiêu phản ánh doanh thu, chi phí, lợi nhuận và nghĩa vụ thuế TNDN của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu được phân loại, sắp xếp thành từng phần cụ thể, thuận tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu “Số năm trước” với “Số năm nay”. BCKQKD được chia làm 3 phần, bao gồm :

  • Doanh thu bao gồm: Doanh thu bán hàng hoá dịch vụ, doanh thu tài chính, các khoản giảm trừ doanh thu trong kỳ.
  • Chi phí bao gồm: Giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí quản lý, chi phí bán hàng trong kỳ.
  • Lợi nhuận và nghĩa vụ thuế TNDN: Lợi nhuận bao gồm : Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận từ hoạt động khác, lợi nhuận sau thuế là lãi cổ tức (nếu có). Nghĩa vụ thuế TNDN bao gồm: Thuế TNDN phải nộp trong kỳ và thuế TNDN chưa phải nộp trong kỳ.

Nhìn vào BCKQKD người đọc có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về lãi lỗ trong doanh nghiệp, với tốc độ tăng trưởng của doanh thu, chi phí, lợi nhuận so với kỳ trước. Tỷ lệ của các khoản doanh thu, chi phí, lợi nhuận cấu thành lên kết quả kinh doanh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.
3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
3.1. Khái niệm Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT)
BCLCTT được lập trên cơ sở cân đối thu chi tiền mặt trong kỳ báo cáo, hay còn gọi là tiền ra và tiền vào của doanh nghiệp. BCLCTT được lập trên cơ sở cân đối giữa lượng tiền trong kỳ theo công thức: Tiền tồn đầu kì + Tiền thu trong kỳ = Tiền chi trong kì + Tiền tồn cuối kỳ.
Thực tế, khá nhiều nhà đầu tư xem nhẹ, thậm chí là bỏ qua báo cáo LCTT khi đọc BCTC. Nếu bỏ qua bước này, bạn rất dễ bị qua mặt bởi các báo cáo có lợi nhuận tốt đẹp mà không hiểu được tính bền vững của lợi nhuận này.
Ở Báo cáo KQKD, doanh thu và lợi nhuận sẽ được doanh nghiệp ghi nhập ngay khi bán hàng, kể cả chưa nhận được tiền từ khách hàng. Thực tế, khách hàng sẽ thanh toán cho doanh nghiệp vào 1 thời điểm nào đó, có thể vài tháng, vài năm hoặc không bao giờ. Tương tự, doanh nghiệp mua hàng từ nhà cung cấp A, mặc dù chưa thanh toán hết tiền nhưng trong kho đã có hàng, hoặc thậm chí là đã được đem bán.

Như vậy, báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi lại dòng tiền vận động trong doanh nghiệp như thế nào?

3.2. Cách đọc Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ đã được trình bày thành 3 phần tương ứng với 3 dòng tiền: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, Dòng tiền từ hoạt động đầu tư, và Dòng tiền từ hoạt động tài chính.

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là dòng tiền phát sinh trong quá trình thanh toán cho nhà cung cấp, khách hàng, cho người lao động, chi trả lãi vay, và nộp các khoản thuế cho nhà nước… Đây là lượng tiền mặt mà bản thân doanh nghiệp làm ra, chứ không phải từ việc huy động thêm vốn đầu tư hay vay nợ.
  • Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh lý… tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.
  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính sẽ liên quan đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu (nhận vốn góp mới, thu từ phát hành cổ phiếu, trả cổ tức cho cổ đông…) và vay nợ (chi trả nợ gốc vay, hay vay nợ mới nhận được…)

Vậy nên, bạn chỉ cần xem xét lần lượt từng dòng tiền là được.

4. Thuyết minh báo cáo tài chính
4.1 Khái niệm về Thuyết minh báo cáo tài chính (TMBCTC)
Thuyết minh BCTC được lập để giải thích và bổ sung thông tin về tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh, tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo mà các bảng báo cáo khác không thể trình bày rõ ràng và chi tiết. Thuyết minh BCTC cũng được dùng để giải trình những chính sách kế toán dùng trong kỳ báo cáo, những vấn đề đặc biệt trong kỳ kế toán, cũng như những sự kiện sau khi đã khoá sổ kế toán. Qua đó, nhà đầu tư hiểu rõ và chính xác hơn về tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp.
4.2 Nội dung, kết cấu của TM BCTC
TMBCTC có những nội dung cơ bản sau: Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp.
  • Kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán.
  • Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng.
  • Các chính sách kế toán áp dụng.
  • Tình hình tăng giảm TCSĐ
  • Tình hình tăng giảm vốn
  • Tình hình thực hiện nghĩa vụ ngân sách
  • Tài sản và công nợ của ngân hàng theo thời gian đáo hạn
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong bảng cân đối kế toán.
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
  • Thông tin bổ sung cho khoản mục trình bày trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
  • Các sự kiện xẩy ra sau khi khoá sổ
  • Ý kiến của doanh nghiệp
Mặc dù TM BCTC là phần bắt buộc của bất cứ Báo cáo tài chính, nhưng không có tiêu chuẩn chung nào quy định về độ chính xác và rõ ràng. Công ty sẽ công bố thông tin ít nhất bằng yêu cầu tối thiểu của luật pháp trên TM BCTC . Nhưng sự tối thiểu này là thế nào lại tuỳ thuộc vào suy nghĩ chủ quan của đội ngũ quản lí. Theo yêu cầu, TM BCTC càng minh bạch càng tốt nhưng vẫn phải đảm bảo các bí mật thương mại và bí quyết duy trì khả năng cạnh tranh của công ty. Nhiều công ty cố tình gây khó cho nhà đầu tư bằng cách sử dụng cách thuật ngữ chuyên ngành. Hãy thận trọng nếu TM BCTC sử dụng từ khó hiểu nghĩa. Trường hợp này có thể hiểu rằng công ty đang cố gắng che đậy điều gì đó. Những nhà đầu tư hiểu biết sẽ theo dõi cả những thông tin mà người khác thường không để ý hoặc bỏ qua. Với tầm quan trọng của TM BCTC , nhà đầu tư sẽ có lúc cảm thấy những thông tin khô khan chả mấy ai quan tâm lại có khi lại rất giá trị 5. Bảng cân đối số phát sinh
Trên đây là một số nội dung, nhằm giúp cho bạn đọc Báo cáo tài chính hiểu hơn công dụng của từng loại mẫu biểu, phục vụ cho việc đọc báo cáo tài chính một cách thuận lợi hơn.

 

 

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here