PHR: Gia tăng hoạt động trong lĩnh vực phát triển KCN, khai thác giá trị đất

0
360

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) là một trong những công ty cao su tự nhiên niêm yết lớn nhất Việt Nam với quỹ đất 15.900 ha tại tỉnh Bình Dương và 7.664ha diện tích đồn điền cao su tại Campuchia. Tuy mảng cao su của công ty trong thời gian qua gặp khó khăn do tình trạng giá cao su trên thị trường thế giới giảm, việc chuyển dịch mang tính chiến lược sang lĩnh vực phát triển khu công nghiệp (KCN) có thể hỗ trợ công ty thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn. PHR hiện sở hữu 80% cổ phần tại KCN Tân Bình (tỷ lệ lấp đầy 100%) với tổng diện tích 352,5ha tại phía bắc tỉnh Bình Dương.

  • Công ty dự kiến trong giai đoạn 2019-2021 sẽ sử dụng 1.037ha đất trồng cao su để chuyển đổi thành đất KCN Nam Tân Uyên 3 (NTU3 – diện tích 346ha) và KCN VSIP III (691ha), qua đó mang lại dòng tiền mặt lớn cũng như thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.
  • Công ty cũng có kế hoạch đến năm 2025 sẽ chuyển đổi 4.000ha đất trồng cao su tại tỉnh Bình Dương thành đất KCN. Công ty sẽ trực tiếp phát triển 2 KCN, bao gồm Tân Lập (diện tích 400ha, cổ phần của PHR là 51%) và KCN Tân Bình Mở rộng (1.055ha, 80).
  • Chúng tôi cho rằng định giá của PHR có thể hấp dẫn vì chúng tôi ước tính sơ bộ giá trị tài sản ròng của PHR vào khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng, hay 75.700VND/cổ phiếu. • Rủi ro: cấp phép KCN bị trì hoãn, tỷ lệ hấp thụ đất KCN thấp hơn so với dự kiến, và giá cao su tự nhiên tiếp tục giảm.

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và dòng tiền mạnh mẽ nhờ chuyển đổi đất cao su giai đoạn 2019- 2021. Các thủ tục cần thiết để chuyển đổi đất cao su thành đất KCN cho dự án KCN Nam Tân Uyên 3 đã được hoàn tất, PHR đang trong quá trình thương lượng cuối cùng với CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UpCoM: NTC) nhằm thực hiện thương vụ trong 6 tháng cuối năm 2019. Ngoài ra, KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) và PHR đã thương lượng thành công và ký hợp đồng bồi thường cho 691ha chuyển đổi đất cao su thành đất KCN cho dự án KCN VSIP III, chỉ còn chờ đợi các cơ quan Chính phủ thông qua. Chúng tôi cho rằng 2 dự án nói trên sẽ mang lại khoảng 2 nghìn tỷ đồng cho công ty trong các năm 2019-2021.

Các KCN do PHR tự phát triển sẽ mang lại lợi nhuận trong trung hạn. PHR dự kiến sẽ phát triển KCN Tân Lập và KCN Tân Bình Mở rộng trong các năm 2019-2025. Công ty cũng dự kiến sẽ phát triển KCN Tân Lập thành trung tâm ngành gỗ của tỉnh Bình Dương. Chúng tôi dự kiến KCN này sẽ đạt tỷ lệ lấp đầy cao trong thời gian ngắn vì có khách thuê là đối tác chiến lược, là một trong những doanh nghiệp công nghiệp gỗ vốn FDI hàng đầu tại Việt Nam. Ngoài ra, KCN Tân Bình Mở rộng được kỳ vọng sẽ thành công như KCN Tân Bình khi lấp đầy 100% sau 6 năm đi vào hoạt động.

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận dài hạn còn được hỗ trợ nhờ sở hữu cổ phần tại các công ty liên kết. PHR hiện sở hữu 32,9% cổ phần tại NTC và sẽ sở hữu 20% cổ phần tại KCN VSIP III. Chúng tôi cho rằng thu nhập được chia từ các công ty liên kết sẽ thúc đẩy lợi nhuận khi các KCN Nam Tân Uyên 3 và VSIP III đi vào hoạt động. Tuy công ty mẹ của PHR đã công bố kế hoạch mua lại cổ phần của PHR tại NTC để điều chỉnh cơ cấu cổ đông, chúng tôi được biết PHR có quan điểm khác và có ý định giữ nguyên cổ phần tại công ty này.

  – VCSC, Chungcong – 

 

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here