PVS: Ngắn hạn thiếu thông tin hỗ trợ từ dự án mới

0
445

Triển vọng ngắn hạn bị ảnh hưởng khi không có nhiều hợp đồng mới được ký kết

Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7 trở lại đây, giá cổ phiếu PVS liên tục giảm cho dù hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận những kết quả tích cực so với cùng kỳ khi doanh thu tăng trưởng 16% và LNST cổ đông công ty mẹ tăng 20,2%. Theo chúng tôi nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu diễn biến xấu đến từ việc công ty đang thiếu những dự án mới có giá trị lớn trong thời gian gần đây.

Từ thời điểm giá dầu hồi phục trở lại kéo theo các dự án dầu khí được tái khởi động, thị trường kỳ vọng rằng mảng xây lắp sẽ làm động lực cho PVS tăng trưởng trong tương lai. Khởi đầu bằng việc làm tổng thầu cho dự án Sao Vàng Đại Nguyệt với giá trị hợp đồng xây lắp lên đến 500 triệu USD cùng với trúng hợp đồng cung cấp tàu FSO Sao Vàng, nối tiếp sau đó là dự án Gallaf tại Qatar với tổng giá trị 320 triệu USD, công ty được tin tưởng sẽ tiếp tục trúng thầu những dự án trọng điểm trong thời gian tới. Đặc biệt hơn, dự án Gallaf là tiền để để PVS có thể thực hiện hóa được tham vọng mở rộng hoạt động xây lắp ra ngoài lãnh thổ Việt Nam tiếp nối theo những dự án mà công ty đã từng thực hiện cho những đối tác ở nước ngoài như Maharaja Lela South (Brunei), Heera Development, Daman GD2 (Ấn Độ).

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, những diễn biến gần đây trong việc ký kết những hợp đồng mới cộng thêm các thông tin thiếu tích cực từ những dự án trọng điểm khiến thị trường đánh giá không khả quan cổ phiếu PVS và hệ quả là cổ phiếu giảm mạnh từ mức 23.000 đồng/cp về mức hiện tại ~ 19.500 đồng/cp.

Về những hợp đồng mới, ngoài dự án LNG Thị Vải với giá trị 100 triệu USD, PVS gần đây hầu như không ký thêm được những dự án mới đủ lớn để bổ sung cho năm sau – thời điểm mà Sao Vàng Đại Nguyệt gần như không còn đóng góp nhiều như năm 2018-2019. Chẳng hạn dự án được kỳ vọng nhiều như Nam Côn Sơn 2 – GD2 lại được giao cho các nhà thầu chính như liên doanh Vietsovpetro – Lilama – Nagecco cho gói thầu đường ống trên bờ hay Technip cho phần gói thầu đường ống biển. Hay dự án Salman ở Brunei được trao thầu cho Sapura Fabrication.

Về tiến độ các dự án tiềm năng hiện tại trong nước, nhiều thông tin trái chiều khiến cho triển vọng của PVS được thị trường đánh giá thấp. Điển hình là dự án Cá Rồng Đỏ, sau khi dừng do nhà thầu Repsol rút lui, dự án vẫn chưa được tiếp tục triển khai dù thời gian đã trôi qua hơn 1 năm. Và gần đây nhất là những tin đồn Exxon Mobil rút lui khỏi dự án Cá Voi Xanh. Khác với Cá Rồng Đỏ khi PVS đã ký hợp đồng xây lắp và tiến hành các hạng mục đầu tiên, dự án Cá Voi Xanh dù chưa xác định giá trị chính xác cho PVS nhưng những thông tin bất lợi xung quanh dự án này cũng phần nào tác động tiêu cực lên PVS, nhất là khi tổng mức đầu tư của dự án này lên đến 10 tỷ USD, đồng nghĩa với khối lượng công việc tiềm năng cho PVS trong tương lai là rất lớn. Bên cạnh đó còn có thể kể thêm các dự án như Lô B, Sư Tử Trắng GD2 với tiến độ gần như không có nhiều cải thiện so với cách đây 1 năm.

Hy vọng từ những dự án sắp tới

Dù gặp nhiều bất lợi trong thời gian gần đây nhưng chúng tôi vẫn thấy được khá nhiều công việc cho PVS trong thời gian tới. Đối với những dự án ngoài khơi, trước mắt có thể kể đến Nam Du – U Minh với phạm vi công việc 1 giàn đầu giếng (WHP) và 1 FPSO. PVS có lợi thế để có thể trúng thầu dự án khi được nhà điều hành JadeStone chỉ định là thiết kế tổng thể cho dự án (FEED). Bên cạnh Nam Du – U Minh, PVS cũng có thể tìm kiếm thêm cơ hội từ dự án Lạc Đà Vàng với phạm vi công việc là giàn khai thác cùng với FSO. Đối với những dự án trên bờ, PVS có thể gia tăng hơn nữa khối lượng công việc từ dự án Long Sơn hoặc các nhà máy điện như Nhơn Trạch 3, 4 hay các dự án LNG khi mà PVS đã có thêm kinh nghiệm từ việc hợp tác ở những dự án tương tự trước đó.

Dù giá cổ phiếu diễn biến xấu do tác động từ việc thiếu các hợp đồng mới trong ngắn hạn, PVS vẫn có khả năng tìm kiếm những hợp đồng mới trong tương lai để bổ sung vào danh mục dự án hiện tại của mình. Cho năm 2019, dự phóng doanh thu thuần đạt 17.665 tỷ đồng (+20,7% YoY) và LNST cổ đông công ty mẹ đạt 1.103 tỷ đồng (+5,3% YoY). Giá mục tiêu cho PVS vẫn được duy trì ở mức 25.080 đồng/cp như báo cáo chuyên đề dầu khí mới phát hành gần đây. Trong năm 2020, mặc dù mảng M&C không thể trở thành động lực tăng trưởng nhưng lợi nhuận dự kiến của PVS ít bị ảnh hưởng hơn do không còn ghi nhận lỗ từ liên doanh CGGV như 2019. Ngoài ra, PVS còn có những khoản để dành từ mục dự phòng bảo hành công trình có khả năng hoàn nhập từ 2 dự án Sư Tử Nâu và Sư Tử Vàng 6x với tổng giá trị 491 tỷ đồng. Nếu sử dụng những khoản mục này, lợi nhuận PVS năm 2020 hoàn toàn có thể tăng trưởng so với 2019.

 – Nguồn VDSC – 

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here