ACB: Niêm yết trên sàn HSX sẽ là một yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu

0
474

Khuyến nghị: KHẢ QUAN

Giá mục tiêu 1 năm: 28.300 Đồng/cp

Tăng: +19,4%

Giá hiện tại (tại ngày 17/06/2020): 23.700 Đồng/cp

  • Chuyển niêm yết từ sàn HNX sang sàn HSX mở ra cơ hội mới: Ban lãnh đạo ACB mong muốn có thể niêm yết trên sàn HSX giữa tháng 11- tháng 12. Sau khi chuyển sàn, ACB có thể được đưa vào các bộ chỉ số của sàn HSX, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực đáng kể cho giá cổ phiếu trong tương lai gần.
  • Triển vọng lợi nhuận tích cực: Trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, triển vọng lợi nhuận vẫn ổn định với lợi nhuận trước thuế tích cực và đạt 7,6 nghìn tỷ đồng (+1,6% YoY), tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là +11,75% và +12%. Ngân hàng dự kiến NIM sẽ giảm 30 đến 50 bps do các gói hỗ trợ và cố gắng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%. Kế hoạch này chưa tính đến phí bảo hiểm trả trước liên quan đến hợp đồng độc quyền bảo hiểm nhân thọ và lợi nhuận liên quan đến việc thoái vốn khỏi ACBS.
  • Cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% cho năm 2019. Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2019. Do đó, ACB đã chuyển từ 20% cổ tức bằng cổ phiếu/10% cổ tức bằng tiền mặt sang cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Trong năm 2020, ngân hàng đề xuất chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%.
  • Duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN: Chúng tôi duy trì giá mục tiêu 1 năm là 28.300 đồng/cp đối với cổ phiếu ACB nhờ hoạt động khả quan và các yếu tố hỗ trợ tích cực. Chúng tôi cũng duy trì ước tính đối với lợi nhuận trước thuế cho năm 2020 là 7,92 nghìn tỷ đồng (+5,4% YoY), nhưng vẫn còn dư địa cho ngân hàng vượt mức ước tính này do các yếu tố lợi nhuận bất thường.

Tóm tắt quan điểm đầu tư

ACB đã tổ chức ĐHCĐ năm 2020 vào ngày 16/6/2020, ĐHCĐ đã chấp nhận đề xuất chuyển niêm yết từ sàn HNX sang sàn HSX. Sau khi chuyển sàn, ACB sẽ đủ điều kiện để được đưa vào các bộ chỉ số của sàn HSX (VN30, VNDiamond, VNFinSelect và VNFinLead), điều này sẽ hỗ trợ mạnh cho giá cổ phiếu. Dựa trên dữ liệu hiện tại, tỷ trọng ước tính của ACB trong các bộ chỉ số này có thể ở mức: 5% trong VN30, 15% trong VNDiamond, 13% trong VNFinlead và 15% trong FinSelect. Việc được đưa vào các bộ chỉ số này sẽ tạo ra khối lượng giao dịch tương đương hơn 8 ngày giao dịch bình quân trong 52 tuần của ACB, điều này rõ ràng sẽ hỗ trợ tăng giá cổ phiếu.

ACB tiếp tục tăng trưởng ổn định trong giai đoạn khó khăn tạm thời này. Ngân hàng dự kiến đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế dương (+1,6% YoY), trong khi duy trì chất lượng tài sản hợp lý (tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%) và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên ở mức khá (NIM ở mức 2,9 – 3,1%). Triển vọng lợi nhuận này cũng được thể hiện trong giai đoạn tháng 1 – tháng 5, khi tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 5/2020 là +4% YTD – cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là +1,96% YTD, và lợi nhuận trước thuế đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (hoàn thành 46% kế hoạch năm).

Các thông tin quan trọng khác từ ĐHCĐ như sau:

Gói ưu đãi lãi suất cho với áp dụng cho khoảng 12,5% dư nợ hiện tại (tương đương 35 nghìn tỷ đồng dư nợ) để hỗ trợ cho khách hàng. ACB dự kiến sẽ tái cấu trúc tối đa 15 nghìn tỷ đồng dư nợ theo Thông tư 01, điều này sẽ làm giảm 600 tỷ đồng (5%) giá trị thu nhập lãi ròng trong năm. Hai gói hỗ trợ có thể khiến lãi suất cho vay năm 2020 của ngân hàng giảm 30-50 bps còn khoảng 9,67-9,87%.

Thu nhập không thường xuyên. ACB có 3 nguồn thu không thường xuyên không được đưa vào kế hoạch 2020. Đầu tiên là khoản phí trả trước cho hợp đồng bảo hiểm độc quyền với một công ty bảo hiểm nhân thọ, dự kiến sẽ được thực hiện vào Q4/2020. Điều này có thể bổ sung vào lợi nhuận trước thuế thêm 13%, theo quan điểm của chúng tôi. Thứ hai, lợi nhuận dự kiến từ việc thoái vốn khỏi ACBS. Cuối cùng là khoản thu từ nợ xấu đã xử lý, khoảng 806 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến kế hoạch thoái vốn khỏi ACBS có thể kéo dài sang năm 2021, và thu từ nợ xấu đã xử lý dự kiến sẽ được thực hiện trong cả năm 2020 và 2021.

Cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ là 30% cho năm 2019 và 18% cho năm 2020. Theo đó, ACB sẽ phát hành 498,8 triệu cổ phiếu sớm nhất vào tháng 9/2020, vốn điều lệ tăng lên 21.616 tỷ đồng. Trong năm 2021, vốn điều lệ sẽ là 25.506 tỷ đồng sau khi phát hành 389 triệu cổ phiếu.

Phát hành trái phiếu quốc tế, tối đa là 10% tiền gửi khách hàng. Ngân hàng có ý định phát hành trái phiếu quốc tế để hỗ trợ hoạt động, nhưng kế hoạch chi tiết (số lượng, thời gian, mệnh giá, kỳ hạn) vẫn chưa được thảo luận.

Bảng: Kế hoạch năm 2020

2018A 2019A %YoY 2020P %YoY
Tổng tài sản 329.333 383.514 16,5% 429.536 12%
Dư nợ tín dụng 231.235 269.409 16,5% 301.064 11,75%
Tiền gửi khách hàng 269.999 308.129 14,1% 345.105 12%
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) 0,73% 0,54% <2%
Nợ quá hạn 0,89% 0,77%
NIM 3,38% 3,40% 2.9 – 3.1%
Lợi nhuận trước thuế 6.389 7.516 17,6% 7.636 1,6%
ROA 1,67% 1,69%
ROE 27,73% 24,65%
CAR 10,1% 10,9%
Vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn 26,57%
LDR 77,55%
Cổ tức bằng cổ phiếu 30% 18%

 – Nguồn SSI, Chứng+

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here