Cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu – tháng 10/2020

0
775

1. DÒNG TIỀN ĐẦU TƯ TRÊN THẾ GIỚI

Các thị trường mới nổi Châu Á là điểm sáng hút vốn

• Trong tháng 10, dòng tiền đầu tư toàn cầu tiếp tục rút khỏi thị trường tiền tệ (-37,7 tỷ USD) và vẫn đổ mạnh vào quỹ trái phiếu (+64,6 tỷ USD). Chính sách tiền tệ nới lỏng đã khiến các quỹ trái phiếu ở tất cả các thị trường đều ghi nhận dòng vốn vào (nhiều nhất là các quỹ trái phiếu Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), Nhà đầu tư hiện nay tỏ ra thận trọng hơn khi chuyển sang đầu tư các trái phiếu có độ rủi ro thấp hơn, thay vì đầu tư vào các trái phiếu có đổ rủi ro cao (lợi tức cao) như trước đây.

• Tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng và cuộc bầu cử Mỹ đến gần khiến cổ phiếu các thị trường phát triển (DM) bị rút ròng trong nửa cuối tháng 10. Các thị trường mới nổi (EM) tỏ ra hấp dẫn hơn khi ghi nhận 6 tuần tiền vào liên tiếp (tổng cộng gần 9 tỷ USD) trong đó các thị trường mới nổi khu vực Châu Á vượt trội so với Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi (EMEA) và Châu Mỹ Latin nhờ sự thành công trong kiểm soát đại dịch và kỳ vọng sẽ đi trước trong quá trình phục hồi kinh tế. Báo cáo mới nhất của IMF dự đoán GDP 2020 của các nền kinh tế mới nổi khu vực Châu Á -1,7% so với mức -4,6% của khu vực Châu Âu và -8,1% của khu vực Châu Mỹ Latin.

• Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia là các thị trường Châu Á có vốn vào cổ phiếu trong tháng 10. Thị trường Trung Quốc vẫn hút vốn mạnh nhất, tổng cộng 4,58 tỷ USD trong tháng 10 với dòng vốn vào cả các quỹ ETF và các quỹ chủ động. Với 3 thị trường còn lại, dòng vốn vào tập trung phần lớn ở các quỹ ETF. Ngoại trừ Malaysia, các nước Đông Nam Á khác (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam) đều bị rút ròng ở cả quỹ ETF và quỹ chủ động.

• Các quỹ đầu tư kết hợp các yếu tố môi trường – xã hội – quản trị công ty (ESG) đã hút vốn ròng 40/42 tuần gần đây, tổng cộng đã có 120 tỷ USD đổ vào kể từ đầu năm đến nay. Cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 và các hiện tượng thiên nhiên ngày càng cực đoan khiến đã gia tăng tầm quan trọng của việc ứng phó với các vấn đề liên quan đến ESG. Báo cáo khảo sát tháng 10 của BoA ML cho thấy các nhà quản lý quỹ đang khá lạc quan khi 60% cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn đầu của Chu kỳ tăng trưởng (tăng mạnh so với mức 49% tháng 9), tỷ lệ phân bổ tài sản cho cổ phiếu tăng lên và hiện đã về mức trước Covid-19. Rủi ro lớn nhất được đánh giá là đại dịch (kỳ vọng vacxin sẽ có từ tháng 2/2021 thay vì tháng 1/2021 trong đợt khảo sát tháng 9); và rủi ro lớn thứ 2 là bầu cử Mỹ.

2. DÒNG TIỀN ĐẦU TƯ TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Vốn rút ròng ở cả quỹ ETF và quỹ chủ động

• Các quỹ đầu tư cổ phiếu vào thị trường Việt Nam rút ròng -23,7 triệu USD trong tháng 10 – ghi nhận tháng rút ròng đầu tiên sau chuỗi 5 tháng liên tiếp có dòng tiền vào. Trong đó, dòng vốn vào các quỹ chủ động vẫn bị rút -18,3 triệu USD trong tháng 10, tổng cộng đã rút -76,3 triệu USD kể từ tháng 3 đến nay.

• Dòng vốn vào ETF bất ngờ đảo chiều trong tháng 10 khi bị rút ròng -5,4 triệu USD (tương đương khoảng 124 tỷ đồng) sau diễn biến tích cực trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9/2020. Xu hướng đảo chiều chủ yếu do 3 quỹ ETF bị rút ròng là VFM VN30 (-163 tỷ đồng), VanEck (-71 tỷ đồng) và KIM Kindex VN30 (- 27 tỷ đồng). Tuy nhiên, các quỹ này đã ghi nhận dòng vốn vào lại trong tuần đầu tháng 11.

• Khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn chứng khoán, -7,45 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Lũy kế 10 tháng đầu năm, các NĐTNN đã bán ròng -11,76 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận lớn của VHM và MSN, giá trị bán ròng lên tới -35,1 nghìn tỷ đồng trong 10 tháng.

Nhìn chung, diễn biến dòng tiền toàn cầu hiện vẫn khá tích cực với cổ phiếu, các động thái rút vốn của các quỹ ETF tại Việt Nam trong tháng 10 nằm trong xu hướng chung của khu vực có thể là hoạt động tái cơ cấu, bảo toàn tài sản để chuẩn bị cho chu kỳ giải ngân mới trong bối cảnh ngày bầu cử Mỹ đang đến gần. Hiện tại, dù ai trong 2 ứng cử viên lên làm Tổng thống Mỹ, các thị trường mới nổi khu vực Châu Á vẫn sẽ là điểm trũng hút vốn đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý sau bầu cử nếu có sẽ khiến rủi ro bất ổn chính trị gia tăng và tác động đến dòng vốn vào cổ phiếu toàn cầu theo chiều hướng tiêu cực.

Nguồn SSI, Chứng+

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here