PVD: KQKD 2020 dự báo hầu như không bị ảnh hưởng bởi giá dầu thấp và dịch bệnh Covid-19

0
404

Khuyến nghị: MUA

Giá mục tiêu 1 năm: 15.000 Đồng/cp

Tăng: +38,8%

Giá tại ngày 04/03/2020: 10.800 Đồng/cp

Cập nhật kết quả kinh doanh 2019

Tỷ đồng 2018 2019 % yoy
Doanh thu thuần 5.500 4.369 -20,6%
Dịch vụ cho thuê giàn khoan 2.085 2.177 4,4%
Dịch vụ kỹ thuật khoan và dịch vụ khác 2.066 1.746 -15,5%
Thương mại 1.350 448 -66,8%
Lợi nhuận gộp 397 449 13,1%
LNST của cổ đông công ty mẹ 197 189 -3,9%

Nguồn: PVD

PVD đã công bố KQKD 2019 với doanh thu thuần, lợi nhuận gộp và LNST cổ đông công ty mẹ đạt lần lượt 4.369 tỷ đồng (-20,6% YoY), 449 tỷ đồng (+13,1% YoY) và 189,2 tỷ đồng (-3,9% YoY). Theo đó, PVD đã hoàn thành vượt 14% kế hoạch doanh thu, đồng thời ghi nhận mức lợi nhuận vượt xa so với kế hoạch đặt ra cho năm 2019 là không lỗ.

Doanh thu 2019 có sự sụt giảm so với năm 2018 do:

(1)   Doanh thu cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan và các dịch vụ liên quan khác (chiếm 40% doanh thu trong năm 2019) giảm 15,5% YoY do PVD khó có thể cung cấp dịch vụ liên quan cho các dự án ở nước ngoài của dàn khoan PV Drilling 1 và 3 mà phải sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp bản địa.

(2)   Doanh thu thương mại giảm mạnh từ 1.350 tỷ đồng trong năm 2018 về còn 448 tỷ đồng trong 2019 (do không còn hợp đồng mua bán thiết bị cho các đối tác như Rosneft, Repsol và Vietsopetro như trong năm 2018)

Tuy nhiên, hoạt động cho thuê giàn khoan có sự cải thiện rõ rệt giúp cải thiện KQKD nói chung. Doanh thu mảng này tăng nhẹ 4,4% YoY và chỉ còn lỗ gộp 18,2 tỷ đồng, so với mức lỗ 166,5 tỷ đồng trong năm 2018 nhờ (1) hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng (JU) của PVD đạt 90% trong năm 2019, cải thiện tích cực so với năm 2018 là 85% và 2017 là 74%; và (2) giá cho thuê trung bình cũng tăng nhẹ 3% đạt mức 57,5 nghìn USD/ngày. Theo đó, lợi nhuận gộp của PVD trong năm 2019 đạt mức tăng trưởng 13,1% YoY.

Thu hồi nợ xấu từ PVEP và PVEP POC giảm dẫn đến giảm hoàn nhập dự phòng so với năm 2018 gây ảnh hưởng lên tăng trưởng lợi nhuận. PVD đã ghi nhận hoàn nhập dự phòng 121,5 tỷ đồng trong năm 2018 trong khi con số năm 2019 là -0,5 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản này, có thể thấy lợi nhuận từ HĐKD chính của PVD chuyển từ lỗ khoảng 29 tỷ đồng trong 2018 sang lãi hơn 70 tỷ đồng trong năm 2019.

Ước tính lợi nhuận

Cho năm 2020, chúng tôi ước tính doanh thu thuần có thể đạt 5.237 tỷ đồng (+19,9% YoY) và LNST cho cổ đông công ty mẹ đạt 236 tỷ đồng (+24,7% YoY), dựa trên các giả định:

  • Giàn khoan JU: dựa trên hợp đồng đã ký kết theo trao đổi với ban lãnh đạo, chúng tôi cho rằng hiệu suất sử dụng giàn khoan JU của PVD có thể đạt 96,5% trong năm 2020 (so với mức 90% trong 2019). Giá cho thuê giàn JU bình quân có thể đạt hơn 64 nghìn USD/ngày (+11,6% YoY);
  • Giàn khoan trên đất liền: PV Drilling 11 dự kiến có khối lượng công việc nhiều hơn, có thể đạt hiệu suất sử dụng 50%. Lưu ý giàn khoan này cũng đã hết khấu hao kể từ năm 2018;
  • Giàn khoan thuê lại: Giàn khoan Harukyu-11 sẽ hoạt động từ Q4/2019 – Q3/2020, trong khi giàn khoan Idun sẽ được thuê cho đến Q3/2020. Ngoài ra, dàn khoan SAGA mới đi vào hoạt động từ tháng 2/2020 và dự kiến được thuê đến hết Q2/2020. Tuy nhiên, chúng tôi không đưa vào mô hình dự báo đối với giàn này do thiếu thông tin chi tiết.
  • Các dịch vụ kỹ thuật khác ước tính đạt tăng trưởng doanh thu 5-10%, nhờ khối lượng công việc cho các giàn khoan JU tăng (bao gồm các giàn thuộc sở hữu của PVD và các giàn cho thuê).
  • PVD có thể sẽ ghi nhận hoàn nhập dự phòng từ nợ xấu từ PVEP khoảng 55 tỷ đồng trong tổng số tiền thu được từ PVEP là 110 tỷ. Giả định này của chúng tôi khá thận trọng so với tổng giá trị hoàn nhập tiềm năng có thể lên đến 210 tỷ đồng trong năm 2020.

Dàn khoan TAD dự kiến sẽ hoạt động trở lại kể từ quý 2/2021 và sẽ là động lực chính giúp tăng trưởng KQKD cho PVD năm 2021 thay vì phải tốn chi phí khoản 45 tỷ đồng mỗi năm để duy trì mặt dù không có hoạt động. Chúng tôi giả định hiệu suất sử dụng giàn khoan JU của PVD có thể đạt 98.5% trong năm 2021 và giá cho thuê giàn JU bình quân có thể tăng lên đạt 68 nghìn USD/ngày (+6,2% YoY). Theo đó, chúng tôi ước tính PVD có thể đạt doanh thu và LNST cho cổ đông công ty mẹ năm 2021 lần lượt là 5.790 tỷ đồng (+10,6% YoY) và 313 tỷ đồng (+32,8% YoY).

tỷ đồng 2019 2020F % yoy 2021F % yoy
Doanh thu thuần 4.369 5.237 19,9% 5.790 10,6%
Dịch vụ cho thuê giàn khoan 2.177 2.911 33,7% 3.048 4,7%
Công suất trung bình gian khoan JU 90% 96% 7,3% 99% 2,1%
Giá thuê trung bình gian khoan JU (USD/ngày) 57.485 64.175 11,6% 68.175 6,2%
Dịch vụ kỹ thuật khoan và dịch vụ khác 1.746 1.833 5,0% 2.200 20,0%
Thương mại 448 493 10,0% 542 10,0%
Lợi nhuận gộp 449 682 52,0% 901 32,1%
LNST của cổ đông công ty mẹ 189 236 24,7% 313 32,8%

Nguồn: PVD, SSI ước tính

Quan điểm đầu tư

Tại mức giá ngày 3/3/2020 là 12.100 đồng/cổ phiếu, PVD đang được giao dịch tại mức P/E 2020 là 21,6 lần và P/E 2021 là 16,3 lần, cải thiện tích cực nhờ tăng trưởng lợi nhuận tốt. Bên cạnh đó, PVD có P/B 2020 đang ở mức 0,36 lần, thấp hơn so với mức P/B trung bình trong 3 năm của PVD và P/B bình quân của các công ty tương đồng trong khu vực cùng là 0,5 lần.

Chúng tôi đặt mức P/B 2020 mục tiêu cho PVD là 0,45 lần, theo đó mức giá mục tiêu đưa ra là 15.000 đồng/cổ phiếu (tăng 23,9% so với giá hiện tại). Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu.

Yếu tố khác hỗ trợ tăng giá:

(1) Thời gian cho thuê của các giàn thuê lại có thể dài hơn dự kiến, theo đó giúp tăng doanh thu

(2) Hoàn nhập dự phòng tiềm năng từ PVEP, ước tính tổng cộng khoảng 210 tỷ đồng.

Rủi ro: biến động giá dầu mặc dù chưa thể ảnh hưởng đến ước tính KQKD của PVD trong năm 2020 của chúng tôi, tuy nhiên có thể sẽ gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trên thị trường và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Tải báo cáo chi tiết Click tại đây

Đồ thị kỹ thuật

Nguồn SSI, Chứng+

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here