Thao túng thị trường chứng khoán là gì? Quy định xử phạt thế nào?

0
197
1. Thao túng thị trường chứng khoán là gì?

Có nhiều khái niệm được đưa ra để giải thích thao túng thị trường chứng khoán là gì. Tuy nhiên, ngắn gọn nhất, thao túng thị trường chứng khoán là việc cá nhân hay tổ chức thực hiện các hành vi gian lận để thay đổi giá cổ phiếu, tạo cung cầu chứng khoán giả nhằm thu lợi bất chính.

Thao-tung-thi-truong-chung-khoan-la-gi

Ví dụ về một số hành vi thao túng thị trường chứng khoán có thể kể tới như: lan truyền thông tin sai lệch, thực hiện lệnh mua và bán cùng một mã chứng khoán ở cùng một thời điểm, che giấu tỷ lệ sở hữu chứng khoán… Tất cả những hành vi này đều tác động làm thay đổi giá chứng khoán, ngăn cản việc xác định giá trên thị trường, từ đó lừa dối nhà đầu tư, gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.

Theo luật pháp, hành vi thao túng thị trường chứng khoán cũng được quy định trong khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP. Cụ thể, thao túng thị trường chứng khoán là thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, bao gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi như sau:

  • Sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau liên tục thực hiện mua, bán chứng khoán, tạo cung – cầu giả để đẩy giá lên cao.
  • Đặt lệnh mua và bán cùng 1 mã cổ phiếu trong cùng một ngày, thông đồng giao dịch mua – bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
  • Thực hiện đặt lệnh mua và bán một mã cổ phiếu trong cùng một ngày giao dịch, thông đồng với nhau thực hiện mua bán chứng khoán nhưng không có sự chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc chỉ luân chuyển quyền sở hữu với các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán.
  • Thực hiện mua bán chứng khoán vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa phiên giao dịch để đầy giá mở cửa và giá đóng cửa lên cao.
  • Lôi kéo nhiều người mua bán cùng một mã chứng khoán để tạo cầu giả, đẩy giá lên cao.
  • Tung tin giả về mã chứng khoán hoặc công ty phát hành để thao túng giá chứng khoán, tăng hoặc giảm giá chứng khoán để thu lợi bất chính.
2. Hậu quả của việc thao túng thị trường chứng khoán

Sau khi hiểu thao túng thị trường chứng khoán là gì, chúng ta cùng điểm qua một số tác hại của hành vi này. Thao túng thị trường chứng khoán không chỉ gây hại cho nhà đầu tư, công ty môi giới chứng khoán, công ty phát hành chứng khoán mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thị trường chứng khoán và sự phát triển của nền kinh tế.

Hau-qua-cua-viec-thao-tung-thi-truong-chung-khoan

Dễ thấy nhất, thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Do tin vào thông tin sai lệch, nhà đầu tư mua vào số lượng lớn cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu sụt giảm, nhà đầu tư nhận lỗ, thậm chí mất trắng.

Thao túng thị trường chứng khoán không chỉ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu mà còn ảnh hưởng đến giá trị các khoản đầu tư. Các doanh nghiệp không thể phân tích và xác định chính xác đâu là khoản đầu tư tốt nhất. Từ đó, bỏ lỡ hoặc trì hoãn các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cuối cùng làm giảm số lượng việc làm, tăng số người thất nghiệp, làm chậm sự phát triển kinh tế.

Giá cổ phiếu thường là cơ sở để đánh giá tình trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với cổ phiếu bị thao túng, giá cổ phiếu không thể hiện đúng “sức khỏe” của doanh nghiệp. Thêm nữa, việc gia tăng số lượng giao dịch dẫn tới tăng thanh khoản trong thời gian ngắn. Điều này gây khó khăn cho việc tập trung vốn của doanh nghiệp phát hành, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, thao túng thị trường chứng khoán còn có thể liên quan đến các hoạt động phạm tội khác như gian lận và rửa tiền. Do đó, để thị trường chứng khoán, nền kinh tế lớn mạnh, phải có những biện pháp để ngăn chặn hành động này.

3. Thao túng thị trường chứng khoán bị phạt như thế nào?

Mức phạt  hành vi thao túng thị trường chứng khoán luôn được nhiều người quan tâm. Người vi phạm ngoài bị phạt hành chính, nộp tiền phạt, người vi phạm có thể bị phạt tù hay không? Quy định của pháp luật đối với việc thao túng thị trường chứng khoán là gì?

3.1. Phạt hành chính

Dựa theo quy định trong khoản 30 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP), cá nhân thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị phạt tiền gấp 10 lần số tiền thu trái pháp luật nhưng không dưới 1,5 tỷ đồng. Đối với tổ chức vi phạm, số tiền phạt không dưới 3 tỷ đồng.

Như vậy, nếu cá nhân thực hiện thao túng thị trường chứng khoán, không thu lợi trái pháp luật hoặc 10 lần số tiền đó thấp hơn 1,5 tỷ đồng sẽ chịu mức nộp phạt 1,5 tỷ đồng. Nếu tổ chức vi phạm, không thu lời bất chính hoặc 10 lần số tiền bất chính thấp hơn 3 tỷ sẽ phải nộp phạt 3 tỷ đồng.

3.2. Phạt hình sự

Trong Điều 211 Bộ Luật Hình sự quy định cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng thị trường chứng khoán ngoài việc buộc phải nộp lại khoản thu trái pháp luật có được, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nghĩa là có thể bị phạt tù.

Phat-hinh-su

Cá nhân phạm tội thao túng thị trường chứng khoán có các mức phạt như sau:

  • Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, hay gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù trong thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
  • Người phạm tội thao túng thị trường chứng khoán thuộc một trong các trường hợp như sau: phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên, gây thiệt hại từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 4 năm.
  • Ngoài ra, người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 50 – 250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm.

Tổ chức phạm tội thao túng thị trường chứng khoán có mức phạt như sau:

  • Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự, bị phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng;
  • Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự, bị phạt tiền từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng;
  • Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
  • Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, cấm kinh doanh và cấm hoạt động trong một số lĩnh vực được quy định hoặc bị cấm huy động vốn trong thời hạn từ 1 năm đến 3 năm.

Ngoài ra, còn một số hình thức phạt bổ sung khác đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán như:

  • Đình chỉ hoạt động kinh doanh, cung cấp các dịch vụ chứng khoán từ 1 – 3 tháng đối với công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
  • Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm.
4. Các vụ thao túng thị trường chứng khoán Việt Nam

Những năm gần đây, nhất là trong 2 năm dịch bệnh, số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng cao, thị trường chứng khoán trở nên sôi động hơn. Kéo theo đó, số lượng các vụ thao túng thị trường cũng tăng cao. Vậy các vụ thao túng thị trường chứng khoán là gì? Dưới đây là một số vụ án tiêu biểu có số lượng người bị hại và số tiền thiệt hại nhiều nhất.

4.1. Thao túng giá cổ phiếu KSA

Ngày 26 – 27/5/2020, tòa án thực hiện xét xử vụ án thao túng giá cổ phiếu KSA. Bị cáo gồm có Phạm Thị Hinh, Nguyễn Hồng Ngọc, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Trọng Hùng, trong đó Phạm Thị Hinh là chủ mưu chỉ đạo. 

Cụ thể, Phạm Thị Hinh đã chỉ đạo 3 người còn lại lập 69 tài khoản chứng khoán, thực hiện liên tục việc mua, bán cổ phiếu KSA để tạo cầu giả trên thị trường để thu hút nhà đầu tư.

Thao-tung-gia-co-phieu-KSA

Hậu quả, có 1496 nhà đầu tư bị thiệt hại với số tiền lên tới 8,1 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán gồm Mirae Asset, Phú Hưng và Dầu khí cũng bị thiệt hại tới 761 triệu đồng vì cho vay margin. Kết quả xét xử, Nguyễn Thị Hinh nhận 18 tháng tù và bồi thường thiệt hại, 3 bị cáo còn lại nhận 15 tháng tù treo. 

4.2. Thao túng giá cổ phiếu CDO

Ngày 21/8/2020, vụ thao túng giá cổ phiếu CDO được xét xử, bị cáo là Nguyễn Vân Giang. Bị cáo đã chỉ đạo nhân viên lập 70 tài khoản chứng khoán tại 24 công ty chứng khoán khác nhau. Sau đó, Nguyễn Vân Giang tự đặt lệnh mua cổ phiếu CDO với số lượng trung bình 1,2 triệu cổ phiếu/ngày. 

Khi giá cổ phiếu CDO tăng cao thì bán tháo để thu lời. Vụ việc đã khiến 572 nhà đầu tư bị thiệt hại với số tiền lên tới 11,2 tỷ đồng. Bị cáo bị buộc tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận mức án 20 năm tù.

4.3. Thao túng cổ phiếu tại CTCP Liên doanh SANA WMT

Ngày 24/1/2022, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán tại CTCP ASA được xét xử. Bị cáo là Nguyên Văn Nam đã thực hiện làm giả hồ sơ tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, đăng ký phát hành với Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Sau đó bán số cổ phiếu này để kiếm lời bất chính.

4.4. Thao túng giá cổ phiếu FLC

Ngày 20/3/2022, tòa án khởi tố vụ án Nguyễn Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC với tội danh thao túng thị trường chứng khoán. Bị cáo cùng một số đối tượng khác trong CTCP Tập đoàn FLC và Công ty chứng khoán BOS đã thực hiện thao túng thị trường chứng khoán và bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC.

Thao-tung-gia-co-phieu-FLC

Ông Quyết đã chỉ đạo các nhân viên sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức, liên tục mua bán số lượng lớn cổ phiếu FLC để đẩy giá lên cao. Tổng số tiền thu về gần 1700 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng. Đây là vụ án nghiêm trọng, gây hại cho nhiều nhà đầu tư và ảnh hưởng đến hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam. 

4.5. Thao túng thị trường chứng khoán tại TVSC và CTCP Louis Holdings

Mới đây, ngày 20/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại CTCP Chứng khoán Trí Việt và các đơn vị liên quan. Đồng thời khởi tố và khám xét nhà của 4 bị can liên quan đến vụ án gồm Đỗ Thành Nhân, Trịnh Thị Thúy Linh, Đỗ Đức Nam và Lê Thị Thùy Liên.

Theo điều tra, 4 bị cáo trên đã thực hiện mua bán các mã cổ phiếu của các công ty trong hệ thống Louis để thổi giá lên cao. Từ tháng 1/2021 đến tháng 9/2021, giá các cổ phiếu TCC tăng phi mã 6000% từ 1200đ/cổ phiếu lên 74.000đ/cổ phiếu. Sau khi giá kịch trần, các đối tượng bán tháo để thu lợi bất chính. Kết quả, giá cổ phiếu này sau đó giảm liên tục 5 – 6 phiên sau đó, gây thiệt hại cả trăm tỷ đồng cho các nhà đầu tư.

Các vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra ngày càng nhiều, thủ đoạn tinh vi hơn, nhiều đối tượng tham gia và số tiền thiệt hại ngày càng lớn hơn. Dưới đây là một số lời khuyên giúp nhà đầu tư tránh bị ảnh hưởng bởi các hành vi thao túng giá.

5. Lời khuyên giúp nhà đầu tư tránh hành vi thao túng giá
  • Tích lũy kiến thức về thị trường chứng khoán
    • Nhà đầu tư cần phải tìm hiểu các kiến thức về thị trường, quy luật cung cầu, các yếu tố tác động tới giá của một cổ phiếu… Nhờ việc nắm rõ kiến thức, nhà đầu tư có thể chủ động ra các quyết định đầu tư, ít bị tác động bởi tin đồn và nhận ra hành vi thao túng giá để tránh.
  • Hiểu rõ về doanh nghiệp
    • Với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, ban lãnh đạo có tầm nhìn và định hướng phát triển bền vững, cơ cấu tài chính hợp lý, tất yếu giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó sẽ tăng trưởng đều qua các năm. Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu các Doanh nghiệp này ở mức giá phù hợp, xét mặt dài hạn nhà đầu tư sẽ có lãi.
    • Ngoài ra, nhà đầu tư nên lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu của các công ty mà mình hiểu rõ lĩnh vực kinh doanh để dễ dàng phát hiện các bất thường trái với quy luật thị trường nếu có với mã cổ phiếu đó.
  • Xây dựng chiến lược đầu tư rõ ràng
    • Nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và chiến lược đầu tư, đưa ra quyết định mua và bán phụ thuộc vào tin đồn và diễn biến ngắn hạn của thị trường thay vì giá trị thực của cổ phiếu. Nhà đầu tư thường mua vào nhiều khi thấy giá một cổ phiếu có xu hướng tăng và vội vã bán tháo khi giá cổ phiếu có dấu hiệu giảm mà không xét tới các yếu tố vĩ mô, nội tại của Doanh nghiệp.

Thay vì thế, Nhà đầu tư nên xây dựng cho mình một chiến lược đầu tư và tuân thủ các nguyên tắc đề ra.

Nguồn Tổng hợp

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here