Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

0
499

TRÁI NGƯỢC XU HƯỚNG VỐN VÀ XUẤT KHẨU CỦA KHỐI FDI

Đăng ký FDI giảm nhưng đi vào thực chất

FDI đăng ký mới và tăng vốn trong 10 tháng đầu năm 2019 đạt 12.8 tỷ USD và 5.4 tỷ USD, giảm -15% và -16% (cùng kỳ giảm -8% và -10%). Mặc dù giá trị đăng ký FDI giảm liên tục nhưng nhìn sâu vào các số liệu thì có 3 dấu hiệu cho thấy việc giảm sút này không đáng quan ngại, thậm chí vẫn đang ở xu hướng tích cực.

  1. Mặc dù giảm về giá trị nhưng về số lượng dự án FDI vẫn tăng. Số dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn (không bao gồm góp vốn, mua cổ phần) trong 10 tháng đầu năm đã tăng +26% và +20% (cùng kỳ tăng +18.7% và giảm -4.7%). Số lượng dự án tăng cao đi cùng với nhu cầu lao động, thuê mặt bằng và các dịch vụ logistic. Giá thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh đã tăng liên tục trong các năm vừa qua là một minh chứng.
  2. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực có vai trò xương sống cho tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI tốt. Có 9.1 tỷ USD đăng ký mới và 4.7 tỷ USD tăng vốn vào lĩnh vực này trong 10 tháng, tăng +33% và +1%. Giá trị đăng ký mới trung bình 1 dự án thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo là 8.7 triệu USD/1 dự án, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 8 triệu USD.
  3. Năm 2018 có 2 dự án bất động sản quy mô lớn, bao gồm dự án 4.1 tỷ USD đăng ký mới tại Hà nội và 1.1 tỷ USD tăng vốn tại Huế. 10 tháng năm nay, FDI có phần thực chất hơn khi các dự án quy mô lớn đều thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo, ví dụ như dự án tăng vốn của LG Display tại Hải phòng có giá trị 410 triệu USD, dự án đăng ký mới của Goertek (Hongkong) tại Bắc Ninh sản xuất thiết bị điện tử có giá trị 260 triệu USD. Nếu không tính 2 dự án bất động sản lớn kể trên của năm 2018, FDI đăng ký mới và tăng vốn 10 tháng 2019 thực chất tăng +17.4% và +0.5%.

FDI đăng ký mới từ Trung Quốc (và Hong Kong) tăng mạnh không hẳn vì thương chiến

  • Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng số 2 cả về giá trị lẫn số lượng dự án FDI đăng ký mới, tương ứng là 2.1 tỷ USD và 541 dự án, tăng +169% và +83%. Cùng kỳ 2018, Trung Quốc chỉ đứng thứ 5 về giá trị và thứ 3 về số lượng. FDI đăng ký mới của Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore và Thailand, 4 nước đứng đầu trong 10 tháng năm 2018 đều giảm trong năm nay.
  • Hong Kong vượt lên trên Nhật bản để đứng thứ 4 về số vốn đăng ký mới, 1.63 tỷ USD, tăng mạnh 151%. Tính trung bình, giá trị vốn đăng ký mới của Trung Quốc và Hong Kong trong 10 tháng cũng khá cao, đạt 3.9 triệu USD và 6.4 triệu USD/1 dự án, cao hơn Hàn Quốc (3 triệu USD).
  • Xu hướng đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong gia tăng nhanh, ngược lại với xu hướng chung là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên bên cạnh nguyên nhân chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, một nguyên nhân cần lưu ý là môi trường.
  • Nhiều dự án lớn của Trung Quốc được cấp giấy phép đầu tư trong 4 tháng đầu năm như Hoá chất dệt nhuộm Huanyu (60 triệu USD, cấp phép tháng 1), Lốp Advance (214 triệu USD, tháng 2), Lốp xe Radian toàn thép ACTR (280 triệu USD, tháng 4) đều là các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao. Khoảng thời gian chưa đến 10 tháng kể từ khi nổ ra thương chiến (tháng 6/2018) là rất ngắn để hiện thực hóa quyết định dịch chuyển đầu tư do áp lực tăng thuế của Mỹ. Trong khi đó, các quy định ngày một khắt khe về môi trường tại Trung Quốc chắc chắn đã và đang tác động đến việc dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc sang các quốc gia lân cận.
  • Trong bối cảnh này, việc ra đời Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, đặt chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí chủ yếu để đánh giá lựa chọn FDI là tương đối kịp thời để hạn chế các dự án ô nhiễm, chủ động sàng lọc thu hút các dự án FDI tốt cho Việt nam.

Singapore dẫn đầu, Trung Quốc tăng nhanh góp vốn, mua cổ phần

  • Trong 10 tháng đầu năm, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt nam đạt 10.8 tỷ USD, tăng +70.5%. Tuy vậy nếu loại 3.85 tỷ USD từ Hong Kong mua Công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty nắm 53.6% Sabeco) thì lượng vốn này chỉ còn tăng +10%, thấp hơn khá nhiều mức tăng của cùng kỳ là +35.8%.
  • Không tính Hong Kong, dẫn đầu về đầu tư góp vốn mua cổ phần trong 10 tháng 2019 là Singapore, 2.03 tỷ USD, tăng mạnh +98%. Kể từ năm 2018, Singapore đã vượt qua British Virgin Islands, trở thành nước góp vốn, mua cổ phần lớn nhất tại Việt nam. Các deal góp vốn của Singapore cũng có giá trị lớn, trung bình đạt 4.1 triệu USD/deal, gấp nhiều lần nhóm các nước còn lại (trung bình dưới 1 triệu USD/1 deal). Riêng với British Virgin Islands, lượng vốn góp mua cổ phần từ lãnh thổ này trong năm 2019 đã tụt nhanh xuống đứng thứ 7, với 376 triệu USD.
  • Trung Quốc cũng gia tăng góp vốn mua cổ phần với tốc độ cao, tăng +40% trong 10 tháng sau khi đã tăng +65% trong năm 2018. Từ vị trí thứ 5, Trung Quốc đã lên đứng vị trí thứ 3 (không tính Hong Kong) về tổng giá trị deal. Về số lượng, Trung Quốc đã liên tục đứng thứ 2 với 1.47 nghìn deal trong 10 tháng, sau Hàn Quốc, 2.26 nghìn deal.
  • Vốn góp từ Hàn Quốc và Nhật bản tăng 17% và 12%, thấp hơn so với cùng kỳ là 87% và 20%. Hưởng lợi từ môi trường lãi suất rất thấp, dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật bản vẫn không mấy cải thiện tại Việt nam.

Hàn Quốc & Nhật Bản là những nhà đầu tư lớn nhất nhưng Trung Quốc & Hong Kong đang tăng tốc nhanh

  • Tổng giá trị FDI còn hiệu lực của Hàn Quốc và Nhật bản tính đến cuối tháng 10/2019 là 66 tỷ USD và 59 tỷ USD, bỏ xa Hong Kong (22.3 tỷ USD) và Trung Quốc (15.8 tỷ USD). Tuy vậy vốn FDI của Trung Quốc và Hong Kong lại đang tăng tốc nhanh. 
  • Tăng trưởng giá trị FDI còn hiệu lực tính đến cuối tháng 10/2019 của Hàn Quốc và Nhật bản là +6.5% YTD và +3.3% YTD. Trong khi đó tăng trưởng của Trung Quốc và Hong Kong là +18.5% và +12.7%. Đây chắc chắn là kết quả của việc gia tăng FDI đăng ký mới từ 2 quốc gia này trong năm 2019 (+169% và +151%).
  • Xét về số lượng, tổng số dự án còn hiệu lực của Hàn Quốc và Nhật bản cũng đứng ở vị trí cao nhất, Trung Quốc và Hong Kong dù đứng sau nhưng tăng nhanh. Số dự án từ Trung Quốc và Hong Kong tăng +24% YTD và +17.6% YTD (cùng kỳ chỉ tăng +14% và 9%).

Xuất khẩu của khối FDI giảm tốc, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế 2020

  • Với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 69% tổng xuất khẩu, khối FDI có vai trò chi phối và quyết định đến xuất khẩu của Việt nam. Tuy vậy tăng trưởng xuất khẩu của nhóm này đang chậm lại một cách đáng báo động, chỉ đạt +5% sau 9 tháng, thấp hơn nhiều khối trong nước là +16.2%. Nhiều mặt hàng chủ đạo của khối FDI có tăng trưởng thấp, cá biệt giảm âm.
  • Xuất khẩu Điện thoại đứng đầu về giá trị nhưng chỉ tăng +2% (cùng kỳ tăng +16%), xuất khẩu sản phẩm điện tử tăng +11.7% (cùng kỳ tăng +14.3%), xuất khẩu Dệt may tăng +8% (cùng kỳ tăng +15%). Xuất khẩu máy móc thiết bị tăng rất thấp +1.9% (cùng kỳ tăng +29%) và máy ảnh, máy quay phim giảm -25% (cùng kỳ tăng +43%). Những khó khăn của các thương hiệu lớn như Samsung khi đánh mất thị phần cùng tác động của tăng trưởng toàn cầu chậm lại đã khiến xuất khẩu của khối FDI giảm sút. Xu hướng này có thể còn kéo dài và tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt nam trong năm 2020.
  • Mặc dù bức tranh chung không mấy tích cực, vẫn có một vài điểm sáng. Hai mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cải thiện là Phụ tùng ô tô và Sản phẩm gỗ. Xuất khẩu phụ tùng ô tô đạt 3.8 tỷ USD sau 9 tháng, tăng +13.7% (cùng kỳ tăng +9.7%), đứng thứ 6 trong top các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của khối FDI. Xuất khẩu Sản phẩm gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng mạnh +18.4% (cùng kỳ tăng +5.7%), đứng thứ 7 về giá trị. Trong khi phụ tùng ô tô là một mặt hàng khá truyền thống và thường có tăng trưởng cao thì sự vươn lên của Sản phẩm gỗ là một tín hiệu mới.
  • Trong cả năm 2017 và 2018, xuất khẩu sản phẩm gỗ đều tăng dưới 10%. Sản phẩm gỗ là một mặt hàng chịu thuế suất cao trong thương chiến Mỹ – Trung nên rất có thể đã có một làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất đồ gỗ sang Việt nam. Giá trị xuất khẩu Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt nam sang Mỹ trong 9 tháng, bao gồm cả khối FDI và khối trong nước, đạt 3.65 tỷ USD, tăng mạnh +34% (cùng kỳ 2017 và 2018 tăng +19% và +15%).
  • Nhập khẩu máy móc thiết bị của khối FDI 9 tháng là 14.4 tỷ USD, tăng +3.8%, thấp hơn khá nhiều tăng trưởng giá trị giải ngân FDI là +7.3%. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này vẫn là khả quan khi so sánh với cùng kỳ 2018 (nhập khẩu máy móc thiết bị giảm -12.7%). Tăng trưởng nhập khẩu máy móc thiết bị cùng xu hướng đăng ký mới, tăng vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy đầu tư FDI vào Việt nam vẫn đang có xu hướng tích cực, tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.

Nhìn một cách tổng thể, dòng vốn FDI vào Việt nam vẫn đang ở xu hướng tích cực. Điều này đảm bảo cho tăng trưởng nội lực của khối cùng tác động lan tỏa sang các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ trong nước. Những khó khăn về thị trường xuất khẩu trong năm 2019 và có thể cả năm 2020 sẽ kìm hãm tăng trưởng chung. Tuy vậy, đây lại là cơ hội để cơ cấu lại các ngành sản xuất, đa dạng hàng hóa xuất khẩu và đặc biệt là chủ đầu tư, cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết 50 về “đa phương hoá, đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư”.

Trong sự lạc quan của xu hướng FDI, cũng phải nhìn nhận thực tế không mấy khả quan về những điểm nghẽn hạ tầng và sự tăng giá của các yếu tố đầu vào. Giá thuê đất tăng, giá lao động tăng khi dòng vốn FDI đổ vào liên tục chắc chắn sẽ làm giảm độ hấp dẫn của Việt nam, vốn đang dựa nhiều vào câu chuyện “nhân công giá rẻ”. Tình tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa trên đường bộ và tại các bến cảng cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Đây là một nghịch lý khi mà giải ngân đầu tư công chậm chạp thì tình trạng tắc nghẽn giao thông lại diễn ra ngày một phổ biến.

Để tiếp tục thu hút FDI thì sự thay đổi trong điều hành chính sách của Việt nam lại là yếu tố quyết định. Các hiệp định thương mại hay cơ hội từ thương chiến sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi những nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực được tháo gỡ. Nếu làm tốt được việc này, Nghị quyết 50 về FDI sẽ song hành cùng Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân tạo thành hai trụ cột vững chắc, giúp thúc đẩy kinh tế Việt nam tăng trưởng cao và bền vững.

  – SSI, Chungcong – 

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here