VPB: KQKD Q4/2019 phù hợp với kỳ vọng của thị trường

0
377

Khuyến nghị: KHẢ QUAN

Giá tại ngày 06/02/2020): 25.500 Đồng/cp

VPB đã công bố báo cáo tài chính Q4/2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.135 tỷ đồng (+2% YoY). Tổng lợi nhuận trước thuế trong 12 tháng đạt 10.334 tỷ đồng (+12,3% YoY). Nếu không tính khoản lợi nhuận bất thường liên quan đến thỏa thuận hợp tác với AIA trong năm 2018, lợi nhuận trước thuế năm 2019 tăng 25,5% YoY. Ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC, loại bỏ gánh nặng cho lợi nhuận và hiệu suất hoạt động trong tương lai.

Lợi nhuận cốt lõi trong Q4 từ ngân hàng mẹ tăng 72,5% YoY, chủ yếu nhờ thu nhập lãi ròng (NII) tăng tốt (+23,4% YoY), thu nhập ròng từ phí tăng trưởng mạnh mẽ(+93,7% YoY), và các nỗ lực của ngân hang trong việc kiểm soát chi phí hoạt động và chi phí dự phòng (tương ứng +2,1% YoY và -0,8% YoY). Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của FeCredit giảm 47% YoY đạt 971 tỷ đồng, do thu từ nợ xấu đã xử lý giảm (1.463 tỷ đồng trong Q4/2018 so với 225 tỷ đồng trong Q4/2019).

Trong cả năm 2019, ngân hàng mẹ và FeCredit ghi nhận lợi nhuận trước thuế lần lượt là 5,8 nghìn tỷ đồng (+14,9% YoY và 41,9% YoY nếu không bao gồm thu nhập bất thường từ AIA trong năm 2018) và 4,5 nghìn tỷ đồng (+9,3% YoY).

dh2220.pngNgân hàng mẹ – Tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi ấn tượng

Thu nhập lãi ròng tăng 19,3% YoY, nhờ tăng trưởng tín dụng tốt và NIM mở rộng

Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi vào cuối năm đạt 18,8% YTD và 23,9% YTD. NIM tăng 15 bps YoY lên 4,69% trong năm 2019, mặc dù tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động (LDR) giảm còn 86,8% từ 92% trong năm 2018. NIM tăng chủ yếu là do lợi suất tài sản tăng. Lợi suất tài sản sinh lãi tăng 66 bps trong khi chi phí vốn tăng 52 bps. Xu hướng này đã diễn ra kể từ Q3 do những lý do sau:

  • Tỷ trọng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (SBV) trong tổng tài sản giảm từ 3,8% (10 nghìn tỷ đồng) trong năm 2018 xuống chỉ còn 0,9% (3 nghìn tỷ đồng) trong năm 2019. Loại tài sản này mang lại lãi suất thấp hơn 1%/năm. Thay vào đó, ngân hàng phân bổ nhiều vốn hơn vào các công cụ nợ và cho vay, với lợi suất trung bình lần lượt khoảng 6,3% và 12,6%.
  • Có sự thay đổi cơ cấu dư nợ cho vay theo lĩnh vực. Do giới hạn hạn mức tín dụng, ngân hàng mẹ ưu tiên giải ngân vào những khoản cói lãi suất tương đối cao. Chúng tôi nhận thấy tổng dư nợ cho vay mua nhà đã tăng 7.479 nghìn tỷ đồng trong năm 2019, trong đó phần lớn được thực hiện trong quý 3 (2.869 tỷ đồng) và quý 4 (2.745 tỷ đồng). Theo tìm hiểuban đầu, chúng tôi hiểu rằng ngân hàng đã tập trung giải ngân vào cho vay mua nhà đất và mua căn hộ thứ cấp thay vì mua căn hộ mới theo dự án để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có được số liệu về tỷ trọng những khoản vay này so với tổng dư nợ cho vay mua nhà của ngân hàng và sẽ cung cấp bản cập nhật khi có thêm thông tin.

Trong năm 2019, cho vay mua nhà tăng 37,7% YoY. Ngoài cho vay mua nhà, các lĩnh vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng tín dụng của ngân hang mẹ là cho vay hộ gia đình (tăng 5,9 nghìn tỷ đồng hay tăng 13,3% YoY); kinh doanh, sửa chữa xe máy và hàng tiêu dùng (tăng 4,9 nghìn tỷ đồng hay tăng 19,9% YoY), bất động sản và xây dựng (tăng 3,2 nghìn tỷ đồng hay tăng 8,3% YoY).

Thu nhập lãi ròng tăng mạnh (+64,8% YoY) đã bù đắp được mức giảm từ khoản thu từ nợ xấu đã xử lý (-47% YoY). Mức tăng trưởng này nhờ thu nhập từ phí bancassurance (+41,3% YoY) và khoản thu từ phí khác (phần lớn đến từ thẻ tín dụng tăng 66% YoY).

Chất lượng tài sản được cải thiện trong năm 2019 khi tổng giá trị của các khoản nợ xấu và trái phiếu VAMC giảm dần từ 7,7 nghìn tỷ đồng (4,52%) vào đầu năm xuống còn 5,2 nghìn tỷ đồng (2,69%) vào cuối năm. Chúng tôi chỉ có một quan ngại nhỏ về chất lượng tài sản, khi lãi dự thu có dấu hiệu tăng lên trong quý 4 đạt 4.452 nghìn tỷ đồng (từ 3.269 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2018 và 3.996 vào cuối tháng 9/2019). Xét về tỷ lệ, lãi dự thu tăng lên từ 2,03% vào cuối năm 2018 lên 2,33% vào cuối năm 2019. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ để xem xu hướng này có tiếp diễn hay không.

FeCredit – Thu từ nợ xấu đã xử lý giảm ảnh hưởng đến lợi nhuận

Tăng trưởng tín dụng của FeCredit đạt 13,1% YTD vào cuối Q3/2019, tương đối sát với hạn mức 14% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Do đó, kết quả kinh doanh quý 4 của công ty đã được dự báo trước là sẽ thấp hơn so với quý 2 và quý 3, khi tăng tưởng tín dụng QoQ lần lượt là +6,7% và +3,3%. Tính đến cuối năm 2019, tổng dư nợ tín dụng của Fecredit đạt 60.594 tỷ đồng (+13,7% YTD).

Tuy nhiên, có 2 điểm cần lưu ý trong kết quả kinh doanh của FeCredit, cần được làm rõ trong cuộc họp các nhà phân tích sắp tới như sau:

  • Thu nhập từ nợ xấu đã xử lý giảm khiến kết quả kinh doanh của FeCredit trong Q4/2019 giảm. Mặc dù thu nhập lãi ròng tăng 29% YoY trong quý 4 đạt 4,7 nghìn tỷ đồng do NIM mở rộng 234 bps, lợi nhuận trước thuế của FeCredit vẫn giảm 47% YoY do thu nhập từ nợ xấu đã xử lý giảm từ 1.463 nghìn tỷ đồng trong Q4/2018 xuống còn 225 tỷ đồng trong Q4/2019. Lũy kế 12 tháng, thu nhập từ nợ xấu đã xử lý giảm xuống còn 900 tỷ đồng (so với mức 2,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2018). Điều này hơi khó hiểu khi trên thực tế FeCredit luôn duy trì việc xóa nợ xấu ở mức cao trong 8 quý vừa qua, dao động trong khoảng từ 1,7 nghìn tỷ đồng đến 2,5 nghìn tỷ đồng. Điều này có thể ngụ ý về tỷ lệ thu hồi giảm hoặc thu từ nợ xấu đã xử lý có thể đến chậm hơn và diễn ra trong 2020.
  • Chất lượng tài sản giảm nhẹ trong quý 4 so với quý 2 và quý 3. Tỷ lệ nợ xấu trước và sau khi xóa nợ vào cuối quý 4 là 5,65% và 9,86%. Tương đương cho quý 3 và quý 2 là 5,61%/8,92% và 5,35%/8,82%.

Quan điểm đầu tư. Trong năm 2020, hiện tại chúng tôi ước tính VPB sẽ tăng 25% YoY lợi nhuận trước thuế đạt 13 nghìn tỷ đồng, và quan điểm của chúng tôi cho cổ phiếu VPB là KHẢ QUAN. Chúng tôi sẽ cung cấp báo cáo đầy đủ sau khi cuộc họp các nhà phân tích quý 4 diễn ra.

Đồ thị kỹ thuật

 

 

 

 

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here