Báo cáo Ngành Bảo hiểm: Một bức tranh nhiều điểm sáng
Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân ở mức thấp, số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 8,5%.
Thị trường đầy tiềm năng
Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) và phí bảo hiểm bình quân (chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người) ở mức thấp. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam năm 2019 là 2,7%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển.
Mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người trong năm 2019 là 72 USD tại Việt Nam, thấp so với mức 175 USD tại các thị trường mới nổi và cách xa con số 4.664 USD tại các thị trường phát triển. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ mức 8,5% năm 2019, tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng lên 15% vào năm 2025.
Thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm. Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 và 2021 – 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng GDP bình quân đầu người từ mức 2.750 USD năm 2020 lên mức 4.700 – 5.000 USD vào năm 2025 và 7.500 USD vào năm 2030.
Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu vàng với quy mô ngày càng tăng, tỷ lệ dân số thành thị được dự báo tăng trưởng từ mức 37% ở hiện tại lên mức 45%.
Theo ước tính của Worldbank, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng từ 13% lên 26% vào năm 2026. Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỉ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng (bancassurance).
Doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng ấn tượng
Trong giai đoạn 2015 – 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 21- 26% mỗi năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 24-35%/năm, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12-16%/năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến tỉ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ giảm xuống còn 5,7%, tuy nhiên doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương, đạt 21,2%. Do đó, ngành bảo hiểm sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng hai con số trong tương lai.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm và tăng trưởng tại thị trường Việt Nam
Trong danh mục đầu tư của ngành bảo hiểm cuối năm 2019, đầu tư vào trái phiếu chính phủ và tiền gửi chiếm lần lượt 44% và 40%, tương ứng 378.000 tỷ đồng và 151.000 tỷ đồng. Do đó, việc lãi suất giảm về mức thấp lịch sử trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đáng kể lên doanh thu tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, khi tăng trưởng tín dụng hồi phục, môi trường lãi suất thấp sẽ không kéo dài lâu nữa.
Gia tăng sự hiện diện của công ty bảo hiểm ngoại qua M&A
Năm 2019, cả nước có 67 công ty bảo hiểm, trong đó có 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 18 công ty bảo hiểm nhân thọ, 16 công ty môi giới bảo hiểm và 2 công ty tái bảo hiểm. Kể từ năm 2015, số lượng công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đã thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua hình thức M&A.
Một số thương vụ nổi bật như FWD đã tiếp quản VCLI thông qua thỏa thuận bancassurance với Vietcombank trị giá 400 triệu USD năm 2019, Sunlife mua lại toàn bộ cổ phần trong liên doanh PVI Sun life năm 2016 hay Sumitomo Life nâng tỷ lệ nắm giữ BVH lên 22,09% (tăng 4,6%) năm 2019.
Dự báo xu hướng M&A trong ngành bảo hiểm sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Đồng thời, cạnh tranh trong ngành có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng theo sau hiệu lực của EVFTA, cho phép tăng sự hiện diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
Bảng xếp hạng thị phần được thay thế bằng những cái tên mới
Ngoại trừ Bảo Việt Nhân thọ, các công ty nước ngoài đang là tay chơi chính trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Top 5 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất xét trên tổng doanh thu phí bảo hiểm gồm Bảo hiểm Bảo Việt (22,9% thị phần), Prudential (19,1%), Manulife (15,9%), Dai-ichi (11,6%) và AIA (11,4%), chiếm 81% tổng doanh thu phí toàn thị trường trong nửa đầu năm 2020.
Đáng chú ý, một số tên tuổi trong danh sách top 10 công ty lớn nhất cách đây 5 năm đã bị thay thế bằng những tên tuổi mới. Một số thương hiệu như Generali, MB Ageas, FWD, Aviva, và Hanwha cũng đã có những bước tiến đáng kể về thứ hạng trong ngành.
Thị phần bảo hiểm nhân thọ theo doanh thu phí khai thác mới (%)
“Nhìn chung, thị trường bảo hiểm nhân thọ có mức độ cạnh tranh khá gay gắt”. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khá phân mảnh với sự tham gia của 31 công ty. Phần lớn trong số đó là các công ty trong nước như Bảo Việt, PVI, PTI, BMI, Pjico, MIC, … Top 10 công ty lớn nhất chiếm khoảng 72% doanh thu phí toàn thị trường và 21 công ty chia sẻ 28% phần còn lại
Thị phần bảo hiểm phi nhân thọ theo tổng doanh thu phí (%)
Nở rộ bancassurance
Nhiều công ty bảo hiểm thực hiện ký thỏa thuận bancassurance với các ngân hàng để tận dụng cơ sở khách hàng và mạng lưới phân phối của họ, đặc biệt là trong phân khúc bảo hiểm nhân thọ. Tỷ lệ thâm nhập của bancassurance trong tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng đáng kể từ 5,9% năm 2016 lên 17,2% năm 2019.
“Hoạt động bancassurance sẽ tiếp tục được các ngân hàng và công ty bảo hiểm chú trọng phát triển do những lợi ích mà nó mang lại cho cả hai bên”
Chúc Anh/Chị có nhiều kiến thức và cơ hội đầu tư hơn nữa!
Nguồn KBSC, Chứng+