TRUNG TÂM PHÂN TÍCHPHÂN TÍCH NGÀNH

Cập nhật Ngành Điện: Quy hoạch phát triển Điện lực VIII điều chỉnh

Nội dung

    Ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg để phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Phát triển Điện lực (QHĐ VIII điều chỉnh), thay thế phiên bản ban đầu đã được phê duyệt vào tháng 5/2023. Việc sửa đổi này có tính đến kịch bản tăng trưởng cao và bền vững cho Việt Nam trong thập kỷ tới, đồng thời nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

    Các điểm nổi bật chính của Điều chỉnh QHĐ VIII

    • Mục tiêu cụ thể tổng công suất nguồn điện: QHĐ VIII điều chỉnh đặt mục tiêu tổng công suất nguồn điện đạt khoảng 183–236 GW vào năm 2030 và 775–839 GW vào năm 2050, so với mức khoảng 160 GW vào năm 2030 và khoảng 573 GW vào năm 2050 theo quy hoạch ban đầu. Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất lắp đặt đạt 82,4 GW. Quy hoạch điều chỉnh tiếp tục khẳng định cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây cũng là một mục tiêu cốt lõi được nêu trong Quy hoạch điện VIII ban đầu.
    • Nhiệt điện (than và khí/LNG):  Các mục tiêu về công suất đối với nhà máy nhiệt điện than và khí/LNG hầu như không thay đổi, tổng cộng chiếm khoảng 36% tổng công suất vào năm 2030. Trong nhóm các nguồn điện truyền thống (than, thủy điện và khí), chỉ có nhiệt điện than là đang mở rộng công suất theo sát kế hoạch của Quy hoạch điện VIII ban đầu. Mặc dù nhiều dự án điện khí/LNG đang có dấu hiệu bị chậm tiến độ đáng kể nhưng vai trò của các nguồn điện này vẫn quan trọng nhằm đảm bảo tính ổn định của lưới điện trong bối cảnh công suất năng lượng tái tạo được thúc đẩy – đây có thể là lý do mà mục tiêu công suất điện khí/LNG vẫn được giữ nguyên. Đến năm 2050, các nhà máy nhiệt điện dự kiến sẽ dần chuyển đổi sang nguồn nhiên liệu sạch hơn, phù hợp với định hướng quy hoạch trước đó.
    • Thủy điện: Công suất thủy điện được điều chỉnh tăng thêm 13%–18%, với tỷ trọng đạt khoảng 15%–18% tổng công suất vào năm 2030 và sau đó giảm dần trong giai đoạn đến năm 2050.
    • Năng lượng tái tạo: Công suất năng lượng tái tạo được điều chỉnh tăng đáng kể, đặc biệt là đối với điện mặt trời (hơn gấp đôi, với công suất bổ sung chủ yếu ở khu vực miền Bắc) và điện gió (tăng từ 15%–50%). Đáng chú ý, điện mặt trời tập trung – vốn chưa được ưu tiên phát triển nhiều theo Quy hoạch điện VIII ban đầu – nay đã được xác định là một nguồn ưu tiên phát triển, quan trọng không kém so với điện mặt trời áp mái. Năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới được dự báo sẽ chiếm khoảng 50% tổng công suất vào năm 2030 và hơn 70% vào năm 2050 (tăng từ gần 30% và 65% trong quy hoạch trước).
    • Nguồn năng lượng lưu trữ: Nhằm giải quyết tính thiếu ổn định của các nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện tích năng và pin lưu trữ (BESS) đã được điều chỉnh để phát triển mạnh trong mục tiêu công suất của bản Quy hoạch này. Các nguồn này được kỳ vọng sẽ chiếm từ 7%–15% tổng công suất trong giai đoạn 2030–2050, mặc dù tiến độ triển khai có thể kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu.
    • Năng lượng hạt nhân: Quốc hội đã phê duyệt việc tiếp tục phát triển lại điện hạt nhân, sau khi chương trình này bị tạm dừng từ năm 2016. Động thái này nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và đóng vai trò nguồn dự phòng cho các dự án chậm tiến độ.
    • Điện nhập khẩu: Tương tự như trong Quy hoạch điện VIII ban đầu, nguồn điện nhập khẩu được dự kiến chỉ đóng vai trò hạn chế trong cơ cấu tổng công suất nguồn điện.

    Cập nhật Ngành Điện: Quy hoạch phát triển Điện lực VIII điều chỉnh

    Quan điểm của chúng tôi

    QHĐ VIII điều chỉnh mang lại một số tín hiệu tích cực cho ngành điện Việt Nam:

    • Tính khả thi cao hơn trong triển khai: Lộ trình phát triển này có vẻ khả thi hơn, giúp tăng khả năng thực hiện Quy hoạch.
    • Tăng cường an ninh năng lượng: Việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng điện lực có thể góp phần giảm thiểu rủi ro thiếu điện quốc gia và đảm bảo sự ổn định năng lượng dài hạn.
    • Hướng tới tăng trưởng bền vững: Một hệ thống điện ổn định và đáp ứng được nhu cầu là điều kiện thiết yếu để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng khi thúc đẩy bởi chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, và sự dịch chuyển từ động cơ đốt trong sang xe điện (EV).
    • Lộ trình tự do hóa dần thị trường điện: Việc nhấn mạnh lại tầm quan trọng của Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) có thể sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và lưới điện quốc gia, qua đó thúc đẩy một thị trường điện cạnh tranh hơn.

    Những thách thức chính:

    Dù định hướng là tích cực, một số rào cản lớn vẫn tồn tại có thể cản trở việc thực hiện QHĐ VIII:

    • Phát triển các nguồn điện ổn định: Các dự án quy mô lớn như nhiệt điện khí/LNG và điện hạt nhân sẽ cần nguồn lực và thời gian đáng kể để triển khai.
    • Hạn chế trong phát triển thủy điện: Khả năng mở rộng công suất thủy điện khá thách thức do số lượng hồ chứa còn lại hạn chế tại Việt Nam.
    • Quản lý và điều độ lưới điện: Tính thiếu ổn định của năng lượng tái tạo có thể ảnh hưởng đến sự vận hành của hệ thống lưới điện, do vậy cần có chiến lược điều độ tốt hơn, cũng như đẩy nhanh triển khai các nguồn điện ổn định và sử dụng pin lưu trữ.
    • Nhu cầu tài chính lớn: Tổng vốn đầu tư theo bản Quy hoạch điều chỉnh gần như gấp đôi so với Quy hoạch điện VIII ban đầu, đặt ra thách thức lớn trong việc huy động nguồn vốn.
    • Rủi ro về môi trường và nguồn cung nhiên liệu: Vẫn còn những lo ngại liên quan đến tác động môi trường và tính ổn định dài hạn của nguồn cung nhiên liệu hóa thạch.

    Đánh giá tác động tới các doanh nghiệp niêm yết:

    Với vai trò ngày càng lớn của năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới, các doanh nghiệp tập trung vào mảng năng lượng tái tạo đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ QHĐ VIII điều chỉnh. Một số công ty hưởng lợi chính bao gồm:

    • HDG (Tập đoàn Hà Đô): Chúng tôi khuyến nghị MUA. Mảng bất động sản kỳ vọng được hỗ trợ bởi việc tiếp tục mở bán dự án Hado Charm Villas, trong khi mảng điện nhiều khả năng phục hồi sau khi đã trích lập khoản dự phòng khoảng 500 tỷ đồng trong năm 2024 liên quan đến dự án điện mặt trời Hồng Phong 4. Thời tiết thuận lợi cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ danh mục thủy điện của công ty.
    • REE (Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh): Khuyến nghị KHẢ QUAN. Chúng tôi chưa đưa các dự án năng lượng tái tạo mới vào kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, khác với HDG, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của REE trong năm 2025 chủ yếu đến từ mảng thủy điện phục hồi, chứ không phải đến từ bất động sản.
    • NT2 (Công ty Cổ phần Điện Nhơn Trạch 2): Khuyến nghị KHẢ QUAN, NT2 có lợi thế nhờ vẫn còn hợp đồng cấp khí đốt với GAS. Việc đã chuyển giao Nhà máy Phú Mỹ 2.2 vào tháng 2/2025 dự kiến sẽ giúp giảm áp lực nguồn cung khí tại khu vực Đông Nam Bộ.
    • GAS (Tổng Công ty khí Việt Nam – CTCP): Khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho các nhà đầu tư dài hạn. Dù lợi ích ngắn hạn từ LNG nhập khẩu còn hạn chế, GAS vẫn là một mắt xích quan trọng trong quá trình chuyển dịch của Việt Nam từ các mỏ khí nội địa đang suy giảm sang nguồn LNG nhập khẩu.
    • POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP): Khuyến nghị TRUNG LẬP. Măc dù POW là chủ đầu tư vào dự án Nhơn Trạch 3&4 – dự án điện khí LNG đầu tiên của cả nước, chúng tôi lo ngại về biên lợi nhuận của dự án trong các năm đầu vận hành, do phải chịu khấu hao lớn và chi phí tài chính cao.

    Cập nhật Ngành Điện: Quy hoạch phát triển Điện lực VIII điều chỉnh

    Liên hệ để nhận báo cáo phân tích chi tiết của SSI và chiến lược đầu tư phù hợp với mỗi Quý Nhà Đầu tư: 

    chungcong.com

    Hiện tôi đang là chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Việt Nam. Blog này được tôi lập ra để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện trong đầu tư chứng khoán. Đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để có một chiến lược đầu tư tốt nhất, phù hợp nhất!
    Back to top button