ĐÁNH GIÁ NHANH TÁC ĐỘNG VIỆC HẠ TRẦN LÃI SUẤT HUY ĐỘNG VÀ CHO VAY CỦA NHNN

0
428
Chiều 18/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Quyết định có hiệu lực từ 19/11:
  • Trần lãi suất huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0.8%/năm.
  • Trần lãi suất huy động được giảm 0.5%, xuống còn 5%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng – dưới 6 tháng.
  • Trần lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6%/năm xuống 5.5%/năm.
  • Trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 6.5%/năm xuống 6%/năm.
  • Trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7.5%/năm xuống 7%/năm.
Đánh giá nhanh tác động của Quyết định này:
  • Đối với việc hạ trần lãi suất huy động của các kỳ hạn dưới 6 tháng. Về tổng thể, tác động trực tiếp đến các NHTM là không nhiều do lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường và vẫn đang duy trì tương đối cao (tính đến ngày 18/11, lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5.5% – 8.15%) để có thể đáp ứng yêu cầu từ quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và lộ trình áp dụng Basel 2. Tuy nhiên, nếu xét riêng đối với các NHTM nhỏ, việc hạ trần lãi suất lần này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lượng vốn huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng). Nhìn chung, mặt bằng lãi suất đang có diễn biến trái chiều với lãi suất trái phiếu Chính phủ ở mức thấp kỷ lục, trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 liên tục tăng trong thời gian gần đây, có 1 nguyên nhân chính xuất phát từ áp lực tăng lãi suất ở nhóm NHTM nhỏ – nhằm bổ sung thanh khoản giai đoạn cuối năm, kéo theo việc tăng lãi suất ở nhóm NHTM lớn để giữ thị phần. Việc hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn trước mắt đang tác động chủ yếu đến nhóm NHTM nhỏ này và qua đó phần nào giúp giải quyết vấn đề trên.
  • Đối với lãi suất cho vay, dư nợ tín dụng của việc vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối các lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 25% – 30% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Với ước lượng tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm (tăng trưởng tín dụng = 14%), tác động của việc hạ lãi suất cho vay 0.5%, với giả định sẽ diễn ra trên diện rộng ở toàn bộ khối lượng cho vay trong 2 tháng cuối năm đối với lĩnh vực ưu tiên, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lãi vay vào khoảng 6 – 7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi cần theo dõi thêm động thái của các NHTM lớn (sau VCB), để có thể đánh giá toàn diện về xu hướng hạ lãi suất.
  • Đối với tỷ giá, việc giảm lãi suất tiền đồng sẽ giảm phần nào áp lực lên đường NEER và REER trong thời gian tới.
  • Đối với thị trường chứng khoán, theo thống kê dữ liệu lịch sử, trong 8 lần NHNN hạ trần lãi suất huy động/cho vay trước đó cho giai đoạn 2012 – 2014, ngắn hạn chỉ số VNINDEX đã tăng trung bình 0.6% ngay sau khi thông tin hạ lãi suất được công bố và tăng trung bình 1.9% sau khi thông tin công bố được 1 tuần và lần này vẫn đúng. Tuy nhiên, nhịp tăng ngắn hạn mang tính tâm lý nên thường sẽ giảm ngay sau đó. Về dài hạn, việc hạ lãi suất sẽ kích thích dòng tiền luân chuyển qua các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn, trong đó có kênh chứng khoán. Đối với trường hợp của VCB, ngân hàng sẽ bị thiệt 250 tỷ đồng trong 2 tháng sau đợt cắt giảm này (theo tuyên bố của ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch VCB). Tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch lợi nhuận báo cáo do NH này có thể tiết giảm các chi phí, đặc biệt là chi phí trích lập dự phòng.

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here