Tương quan giữa chu kỳ kinh tế và các Ngành
“Chu kỳ kinh tế” không còn là khái niệm xa lạ. Nhận diện được chu kỳ kinh tế không chỉ giúp doanh nghiệp, Nhà đầu tư (NĐT) tận dụng mọi nguồn lực để mở rộng phát triển vào giai đoạn thuận lợi, mà còn giúp phòng tránh các rủi ro vĩ mô khi kinh tế vào giai đoạn tăng trưởng nóng và có dấu hiệu bong bóng ở thị trường tài sản. Vai trò ĐỊNH HƯỚNG này của Chu kỳ kinh tế sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp, Nhà đầu tư rất nhiều trong kinh doanh, đầu tư.
Dưới đây Chứng+ xin giới thiệu sơ lược về chu kì kinh tế qua góc nhìn của lý thuyết Fidelity Investments.
Nền kinh tế luôn tồn tại chu kì phát triển và tương ứng với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế cũng có những ngành nghề phát triển tốt hơn các ngành khác trong từng giai đoạn đó. Tương ứng với tiềm năng của ngành giá cổ phiếu của những công ty thuộc ngành đó sẽ tăng lên phản ánh kì vọng của nhà đầu tư.
Mỗi chu kỳ kinh tế đều gồm một giai đoạn mở rộng, tăng trưởng lên đến đỉnh điểm, sau đó là giai đoạn thu hẹp rồi đến sự khủng hoảng. Thị trường chứng khoán cũng tương tự, thị trường luôn có tính chu kỳ và lấy nền kinh tế làm nền tảng.
Lý thuyết chu kỳ của nền kinh tế của Fidelity Investments
Fidelity Investments là một công ty quản lý quỹ đầu tư nổi tiếng có trụ sở tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ. Theo quỹ mỗi chu kỳ kinh tế được chia làm 4 giai đoạn với những đặc điểm cụ thể như sau:
(1) Thời kỳ đầu của chu kỳ kinh tế (Early – Stage phase): Đây còn gọi là giai đoạn phục hồi của một quốc gia. Nó đánh dấu thời kỳ hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế sau khủng hoảng khi tốc độ tăng trưởng được cải thiện, tăng trưởng âm sẽ dần thay đổi thành tăng trưởng dương. Tăng trưởng tín dụng được ngân hàng trung ương nới lỏng thông qua các chính sách tiền tệ, hàng tồn kho của nền kinh tế giảm mạnh trong bối cảnh doanh thu tăng cao.
(2) Thời kỳ tăng trưởng chu kỳ kinh tế (Mid – Cycle phase): Là thời kỳ kéo dài nhất trong mỗi chu kỳ kinh tế điển hình. Đặc điểm của thời kỳ này là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn dương, nhưng ở tốc độ vừa phải so với thời kỳ đầu. Các hoạt động kinh tế và tăng trưởng tín dụng sôi động trong khi hàng tồn kho của nền kinh tế và doanh thu nhanh chóng tiệm cận với mức cân bằng.
(3) Thời kỳ suy giảm chu kỳ kinh tế (Late – Cycle phase): Nền kinh tế tăng trưởng quá nóng khơi màu suy thoái và lạm phát gia tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần bởi các chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng thắt chặt, biên lợi nhuận giảm dần. Hàng tồn kho vẫn tăng trong khi tốc độ tăng trưởng doanh thu giảm dần.
(4) Thời kỳ suy thoái (Reccession phase): Lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh trong bối cảnh khan hiếm nguồn vốn cho các hoạt động kinh tế. Các chính sách tiền tệ dần được nới lỏng, hàng tồn kho tiếp nối đà giảm trong khi doanh thu duy trì ở mức thấp.
Ảnh: nguồn Fidelity Investments
Chu kỳ kinh tế Việt Nam trong những năm qua:
- Giai đoạn phục hồi (Năm 2013 – 2016) Thể hiện tăng trưởng GDP bắt đầu hồi phục trở lại sau các quý giảm hoặc tăng trưởng nhẹ trước đó. Sản xuất công nghiệp, bán lẻ bắt đầu tăng. Tỉ lệ thất nghiệp giảm, tín dụng ngân hàng tăng. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trở lại. Việt Nam bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, việc chính phủ bơm tiền dàn trải, không trọng tâm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến lạm phát cao, tỉ lệ nợ xấu tăng… cùng vô số hệ lụy khác kéo dài đến năm 2012.
- Giai đoạn tăng trưởng (Năm 2017 – 2019): Tăng trưởng GDP tăng trưởng nóng, đạt “ đỉnh” so với các năm trước đó. Tín dụng tăng trưởng mạnh. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp liên tục ở mức cao so với cùng kì. Giai đoạn này Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn.
- Giai đoạn suy giảm (Quý 1/2020 đến thời điểm hiện tại): Tăng trưởng GDP bắt đầu giảm tốc, tín dụng ngân hàng tăng trưởng chậm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp giảm so với cùng kì.
- Giai đoạn suy thoái: Tăng trưởng GDP giảm mạnh, tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ, phá sản.
Ngày nay, quan sát các chu kỳ kinh tế ở các nền kinh tế công nghiệp phát triển, người ta phát hiện ra hiện tượng pha suy thoái càng ngày càng ngắn về thời gian và nhẹ về mức độ thu hẹp của GDP thực tế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chính phủ các nước này đã hiểu biết và vận dụng tốt hơn những hiểu biết về kinh tế vĩ mô. Bằng cách kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhà nước có thể ngăn chặn một cuộc suy thoái biến thành khủng hoảng. Chu kỳ kinh doanh khốc liệt tàn phá chủ nghĩa tư bản trong những thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản đã được giảm nhẹ hậu quả, dù không hoàn toàn triệt tiêu. Do đó, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ không bước vào giai đoạn suy thoái mà sẽ duy trì ở giai đoạn suy giảm và phục hồi trên một đà tăng trưởng lớn hơn.
Nên chọn ngành nào trong từng giai đoạn?
Không cổ phiếu nào có thể chống lại xu hướng thị trường. Nhưng trong mỗi một chu kỳ của nền kinh tế và của thị trường chứng khoán, có một số ngành sẽ phát triển vượt trội hơn các ngành khác và tất nhiên cổ phiếu của các ngành mạnh mẽ trong mỗi giai đoạn sẽ có sức mạnh vượt trội giúp các bạn kiếm lời. Dù trong giai đoạn tăng trưởng hay suy thoái của thị trường, nếu nhà đầu tư biết lựa chọn cổ phiếu của ngành thích hợp vẫn có thể kiếm lời từ chứng khoán.
- Hàng tiêu dùng không theo chu kỳ: Đầu tư ở đầu giai đoạn suy thoái, cuối phục hồi. Các ngành như mỹ phẩm, thuốc lá, nước giải khát… có sức cầu khá ổn đinh và ít nhạy cảm với chu kỳ kinh tế.
- Chăm sóc sức khỏe: Ngành chăm sóc sức khỏe bao gồm các công ty dược phẩm, trung tâm chăm sóc sức khỏe, công ty công nghệ sinh học và các hãng sản xuất thiết bị y tế. Cổ phiếu thuộc nhóm này có tính phòng vệ cao và không chịu tác động của chu kỳ kinh tế. Vì dù trong giai đoạn nào, giàu hay nghèo con người luôn quan tâm tới sức khỏe của họ. Tuy nhiên, các công ty dược phẩm chịu tác động của thị phần, thời gian cấp phép lưu hành thuốc, vòng đời của bản quyền sản xuất thuốc và kết quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển.
- Tài chính: Đầu tư ở cuối giai đoạn thị trường suy thoái, đầu giai đoạn phục hồi. Ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm sẽ được hưởng lợi từ lãi suất, tăng trưởng tín dụng.
- Công nghệ: Cổ phiếu công nghệ có tính chu kỳ, vì nó phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu chi tiêu vốn và vào nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các công ty công nghệ có tiềm năng lớn trong dài hạn, vì các sản phẩm công nghệ thường có tính ứng dụng cao và công nghệ mới luôn thu hút người sử dụng. Cổ phiếu công nghệ thường được nhà đầu tư ưa chuộng ở giai đoạn bắt đầu hoặc giữa của chu kỳ tăng trưởng kinh tế.
- Vận tải: Ngành vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy phản ánh rất nhanh với dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế. Trong giai đoạn này, các đơn đặt hàng bắt đầu gia tăng, nền sản xuất phục hồi trở lại nên ngành vận tải hưởng lợi đầu tiên. Trong khi đó vận tải hàng không phụ thuộc rất nhiều vào giá nhiên liệu, hiệu suất sử dụng máy bay và áp lực cạnh tranh về giá.
- Hàng tiêu dùng theo chu kỳ (lâu bền hoặc không lâu bền): Thường tìm kiếm các cổ phiếu này vào điểm cuối giai đoạn suy thoái kinh tế. Cổ phiếu loại này khá nhạy cảm với lãi suất và chu kỳ kinh tế (hàng gia dụng điện tử và các mặt hàng xa xỉ khác như trang sức).
- Công nghệ: Cổ phiếu công nghệ có tính chu kỳ, vì nó phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu chi tiêu vốn và vào nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các công ty công nghệ có tiềm năng lớn trong dài hạn, vì các sản phẩm công nghệ thường có tính ứng dụng cao và công nghệ mới luôn thu hút người sử dụng. Cổ phiếu công nghệ thường được nhà đầu tư ưa chuộng ở giai đoạn bắt đầu hoặc giữa của chu kỳ tăng trưởng kinh tế.
- Công nghiệp cơ bản: Đây có thể là những ngành vật liệu xây dựng hoặc hoặc là công nghiệp sản xuất đầu vào của các ngành công nghiệp khác (ví dụ như sản xuất thép, tôn, xi măng,…) Lợi nhuận của ngành công nghiệp cơ bản bắt nguồn từ hiệu suất sử dụng máy móc cao và nhu cầu thị trường lớn. Do đó, cổ phiếu của ngành này thường hấp dẫn NĐT vào cuối của mỗi giai đoạn tăng trưởng kinh tế.
- Lĩnh vực năng lượng: Ngành năng lượng bao gồm những công ty thăm dò và khai thác dầu khí để sử dụng trong nước cũng như xuất khẩu, các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng (điện nước). Mỗi công ty có một động lực khác nhau, nhưng nhìn chung, đều chịu tác động của mối tương quan cung cầu thế giới. Trong lịch sử, những bất ổn chính trị thường gây tác động rất lớn đến ngành năng lượng. NĐT ưa chuộng cổ phiếu ngành năng lượng khi tăng trưởng kinh tế gần đạt đỉnh.
Chúc Anh/Chị có thêm nhiều kiến thức để giao dịch thành công hơn nữa!