Báo cáo Ngành Cao su: Bức tranh 6 tháng đầu năm 2021
I. Xuất nhập khẩu
1. Về xuất khẩu:
Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su chế biến sâu đã vượt xa kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên, Việt Nam xuất khẩu 15 loại sản phẩm cao su tinh chế. Các DN tham gia xuất khẩu cao su thiên nhiên hiện có 194 đơn vị. Trong đó bao gồm: 89 DN tư nhân, đạt 81.2% về kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 43 DN có nhà máy chế biến mủ; 21 DN nhà nước , trong đó có 19 đơn vị có chuỗi cung ứng từ trồng đến chế biến mủ và xuất khẩu cao su; 14 DN có vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu và 67 DN còn lại có kim ngạch xuất khẩu không lớn, phần lớn là xuất khẩu những lô hàng nhỏ.
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ít nhất 5 năm gần đây. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu 6T-2021 đạt 714 nghìn tấn tăng 48%; giá trị đạt 1,20 tỷ USD tăng 88% so với cùng kỳ năm 2020. Quốc gia xuất khẩu chủ lực của nước ta chính là Trung Quốc – chiếm phần lớn gần 70% tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, 6 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 491.6 nghìn tấn, tăng 45% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá xuất khẩu trung bình đạt 1,685 USD/tấn tăng 27.7% so với 6T-2020; đợt tăng giá cao nhất trong 2 năm gần đây là vào T04-2021 đạt mốc 1,777 USD/tấn tăng gần 50% so với vùng giá thấp nhất hồi T06-2020.
Nhập khẩu cao su 6T-2021 của Việt Nam cũng có mức tăng trưởng nổi bật, tổng sản lượng nhập khẩu đạt 873 nghìn tấn tăng 133%, giá trị nhập khẩu đạt 1.28 tỷ USD tăng 142% so với năm 2020. Mặc dù là quốc gia xuất khẩu cao su đứng thứ ba thế giới, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn cao su để đáp ứng nhu cầu sản xuất và chế biến. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên trong ít nhất 10 năm gần đây, ngành cao su Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn xuất.
Trong 6T -2021 sản lượng cao su nhập khẩu từ Campuchia lên đến 493.5 nghìn tấn tăng 414% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 60% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam, tương đương với tổng giá trị 524.6 triệu USD tăng mạnh 508% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của việc tăng này chủ yếu là do 5-7 năm trở lại đây, các DN Việt Nam đã trồng và phát triển một lượng lớn cây cao su tại Lào và Campuchia; và hiện nay đã đến giai đoạn thu hoạch. Do đó, xu hướng nhập khẩu từ Lào và Campuchia được dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Tính đến cuối năm 2020, chỉ riêng tổng diện tích mà các đơn vị thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang quản lý tại Campuchia là 87,891 ha; trong đó, diện tích kinh doanh là 61,153 ha, kiến thiết cơ bản là 26,732 ha. (Hiện nay, diện tích cao su trong nước của Việt Nam đạt gần 1 triệu ha, với gần 70% trong đó là diện tích đang cho thu mủ với sản lượng khoảng 1.1 triệu tấn/năm).
Dự báo giá sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn do nguồn cung cao su thế giới tăng khi vào vụ thu hoạch. Theo ANRPC, nguồn cung cao su thế giới T07-2021 dự kiến sẽ tiếp tục tăng 11.3% so với tháng trước đạt 1.1 triệu tấn. Trong khi nhu cầu cao su có thể giảm tạm thời, do dịch COVID-19 đang “hoành hành” mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, có thể khiến cho các sản xuất một số lĩnh vực liên quan bị gián đoạn.
Tuy nhiên, giá cao su có khả năng tăng trở lại trong các tháng cuối năm khi ngành công nghiệp thế giới được phục hồi tại các nước như Trung Quốc, Mỹ, EU,..; sản xuất các khu vực liên quan (ví dụ như: ô tô,..) được khôi phục sau khi vaccine được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia và dịch bệnh được kiểm soát sẽ thúc đấy nhu cầu cao su trong nước và trên thế giới. Trong báo cáo mới nhất (cuối T06-2021), ANRPC vừa điều chỉnh tăng dự báo về nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới (so với dự báo đưa ra hồi T05). Theo đó, nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2021 được dự báo đạt 13.87 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2020; trong khi tổng cung cao su thế giới được giữ nguyên dự báo là 13.81 triệu tấn (tăng 5.8% so với cùng kỳ).