PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆPTRUNG TÂM PHÂN TÍCH

Lợi nhuận quý 3/2022 ngành phân bón, hóa chất

Nội dung

    Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 19/10, đã có 9 công ty ngành phân bón hóa chất công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Nhiều công ty lớn báo lãi tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 nhưng so với tháng liền kề trước đó lại giảm mạnh hoặc đi ngang. Trong khi đó, nhiều công ty nhỏ hơn lại báo lãi giảm mạnh trong kỳ vừa qua.

    Công ty CP Tập đoàn Hóa Chất Đức Giang (DGC) ghi nhận trong kỳ doanh thu tăng mạnh lên 3.695 tỷ đồng từ mức 2.106 tỷ đồng của quý 3/2021. Lợi nhuận gộp đạt 1.645 tỷ đồng gấp 2,6 lần. Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh chủ yếu nhờ tiền lãi gửi ngân hàng đạt 195 tỷ đồng, phần lãi trong công ty liên kết cũng tăng cao dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp 3 lần lên 1.596 tỷ đồng.

    Sau khi trừ đi các khoản thuế phí phát sinh, Hóa chất Đức Giang báo lãi sau thuế 1.513 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với con số của cùng kỳ năm 2021 là 488 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với quý 2/2022 thì con số này đã giảm đáng kể, quý 2, DGC báo lãi 1.984 tỷ đồng.

    Lũy kế từ đầu năm đến nay, Hóa chất Đức Giang báo lãi 4.916 tỷ đồng tăng gần gấp 5 lần so với con số 1.113 tỷ đồng của năm 2021. Hàng tồn kho tính đến cuối tháng 9 là 1.532 ty đồng tăng so với con số 1.386 tỷ đồng đầu năm. Nợ phải trả giảm mạnh từ 2.188 tỷ đồng còn 1.776 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 6.332 tỷ đồng lên gần 11.000 tỷ. Tuy nhiên, tiền mặt giảm mạnh từ con số 124 tỷ đồng đầu năm còn 65 tỷ đồng, trong đó có đến 55 tỷ đồng gửi ngân hàng.

    2022 10 21 KQKD quy 3 DGC

    Công ty CP Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) cũng báo lãi tăng mạnh so với cùng kỳ trong quý 3/2022. Trong kỳ, doanh thu của LAS đạt 616,6 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số quý 3/2021. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng cao dẫn đến biên lợi nhuận giảm mạnh, lãi gộp đạt 66 tỷ đồng, tăng 12%. Nhờ chi phí tài chính giảm mạnh lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 10,2 tỷ đồng tăng gấp đôi so với quý 3/2021.

    Sau khi trừ thuế phí phát sinh, LAS báo lãi 9,6 tỷ đồng tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với quý 2, con số này cũng đã giảm mạnh, quý 2 LAS lãi sau thuế 26 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, LAS báo lãi 67,3 tỷ đồng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.

    Hàng tồn kho của LAS tăng mạnh từ 976 tỷ đồng đầu năm lên 1.087 tỷ đồng. Tiền mặt tăng từ 18 tỷ lên 37,8 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm từ 962 tỷ đồng còn 615 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9.

    Cơ cấu lợi nhuận của LAS vẫn chiếm nhiều nhất là sản phẩm Lân các loại, tỷ trọng 56,72% lãi gộp với 41.811 tấn tương ứng doanh thu 164,3 tỷ đồng. Tiếp đến là NPK tỷ trọng lãi gộp chiếm 38,27% 54.860 tấn tương ứng doanh thu 414,4 tỷ đồng. Còn lại là Axit với các sản phẩm khác.

    Công ty Cổ phần Khử Trung Việt Nam (VFG) báo lãi tăng trong quý 3 vừa qua. Theo đó, doanh thu của VFG đạt 841 tỷ đồng tăng gấp đôi so với quý 3 năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh đạt 15,5 tỷ đồng trong khi năm ngoái 12 tỷ đồng.

    Trong kỳ, VFG báo lãi 59,7 tỷ đồng tăng 50% so với quý 3/2021. Con số lãi này tương đương với quý 2/2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VFG báo lãi 171 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 116 tỷ đồng của năm 2021.

    Công ty CP DAP – Vinachem (DDV) báo lãi giảm mạnh trong kỳ. Theo đó, lợi nhuận quý 3 của DDV đạt gần 60 tỷ đồng, giảm gần 17% so với quý 3/2021. Do doanh thu bán hàng và cung cấp kỳ này đạt 748,2 tỷ đồng giảm 56 tỷ đồng tương ứng 7% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do giảm sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ kỳ này là 36.600 tấn, giảm 23,2 tấn tương ứng giảm 38,83% so với cùng kỳ năm trước.

    Mặc dù vậy, lũy kế từ đầu năm đến nay DDV vẫn báo lãi tăng mạnh so với năm trước, đạt 349 tỷ đồng trong khi năm ngoái con số này là 158 tỷ đồng.

    Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Trung (PCE ) – công ty thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí báo cáo tài chính quý 3/2022 với tình hình kinh doanh ảm đạm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PCE đạt 887,6 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp giảm chỉ còn 16 tỷ đồng trong khi quý 3/2021 là 24 tỷ đồng.

    Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh còn 2,3 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng. Nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác nên PCE vẫn ghi nhận lãi trước thuế 4,7 tỷ đồng. Tuy vậy, con số này đã giảm 58% so với cùng kỳ năm 2021.

    Giải trình về lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng và đơn giá tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ Đạm Kebo PM giảm 100%; Sản lượng tiêu thụ NPK PM giảm 31,73%; Sản lượng tiêu thụ Phân bón thương hiệu PM giảm 87,55%. Sản lượng tiêu thụ Phân bón tự doanh khác giảm 69,1% đồng thời đơn giá tiêu thụ của mặt hàng này giảm 45,17% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Đáng chú ý là sản lượng Ure Phú Mỹ trong kỳ đạt 49,2 tấn tăng 40 tấn so với cùng kỳ năm trước. Đơn giá tiêu thụ cũng tăng tương ứng từ 10,757 triệu đồng/tấn lên 14,008 triệu đồng/tấn tương ứng tăng 30,22%. Doanh thu tiêu thụ mặt hàng này đạt 689,85 tỷ đồng tăng 59% nhưng giá vốn tăng mạnh hơn đạt 680 tỷ đồng tăng 60,39% dẫn đến lợi nhuận mặt hàng Ure Phú Mỹ còn 9,82 tỷ đồng, giảm 0,42% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh…

    Kết thúc quý 3 năm 2022, Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc PVFCCo đã sản xuất gần 900.000 tấn phân bón và hóa chất các loại, vượt xa so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021. Sản lượng các sản phẩm chính như phân urê đạt hơn 680.000 tấn, phân NPK đạt gần 140.000 tấn, NH3 thương mại đạt hơn 50.000 tấn. Nhờ có nguồn cung dồi dào nên tổng sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại đạt gần 940.000 tấn.

    Theo Đạm Phú Mỹ, năm 2022 do tình hình chính trị – kinh tế bất ổn trên thế giới nên giá phân bón biến động khó lường. Trong nước, giá vật tư cho nông nghiệp tăng cao, giá nông sản bấp bênh, tiêu thụ khó khăn tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp, khiến việc kinh doanh phân bón gặp không ít trở ngại do sức mua rất yếu.

     

    Xem thêm:

    chungcong.com

    Hiện tôi đang là chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Việt Nam. Blog này được tôi lập ra để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện trong đầu tư chứng khoán. Đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để có một chiến lược đầu tư tốt nhất, phù hợp nhất!
    Back to top button