Lịch sử thị trường trái phiếu
Lịch sử thị trường trái phiếu (TTTP) Việt Nam có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một từ 1945-1989 là giai đoạn chưa tồn tại thị trường trái phiếu. Đây là thời kỳ quá độ trước khi hình thành TTTP. Trái phiếu được phát hành thời kỳ này là công trái Chính phủ, phát hành không dựa trên quan hệ kinh tế. Việc phát hành này dựa trên quan hệ chính trị nhằm mục đích phục vụ chiến tranh giải phóng dân tộc và tái thiết đất nước sau ngày thống nhất.
Giai đoạn hai từ 1990 tới nay là giai đoạn bắt đầu hình thành và phát triển thị trường trái phiếu. Trong giai đoạn này với sự ra đời của hệ thống kho bạc Nhà nước và đặc biệt sự ra đời của TT chứng khoán cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý đã tạo điều kiện cho TTTP từng bước phát triển.
Thị trường trái phiếu Việt Nam đã có lịch sử giao dịch trước thị trường cổ phiếu khi từ những năm 1990 đã có trái phiếu Chính phủ và 1 số trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước được phát hành. TP này chủ yếu do các công ty bảo hiểm và ngân hàng quốc doanh nắm giữ đến khi đáo hạn. TTTP bắt đầu bằng việc phát hành tín phiếu Kho bạc kỳ hạn 3 tháng tại Hải Phòng năm 1991 và sau đó là việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước lớn.
Tiếp đó, trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM được thành lập vào năm 2000 là một cột mốc quan trọng cho thị trường trái phiếu Việt Nam với sự ra đời của sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp đầu tiên. Cùng với NHNN, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM cũng được giao tổ chức đấu thầu một số loại trái phiếu chính phủ dài hạn. Đây là cố gắng đầu tiên nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ của Việt Nam.
Ban đầu, từ sau năm 2000, giao dịch của trái phiếu Chính phủ dường như là độc quyền duy nhất trên thị trường. Sau đó, từ 2007 cùng với làn sóng Việt Nam gia nhập WTO thì đã có một đợt bùng nổ các trái phiếu do doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, nếu tính theo tiêu chí tổng dư nợ trên GDP thì quy mô thị trường TP Việt Nam vẫn còn thấp so với một số quốc gia có trình độ phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia… Tổng dư nợ thị trường trái phiếu tính tới tháng 3/2013 tại Thái Lan là 75% GDP, tại Malaysia là gần 110%trong khi con số này tại Việt Nam chỉ trên 20%.
Để phát triển thị trường tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế, các nhà chính sách đang nhanh chóng đẩy mạnh sự hiện diện của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như 1 cổng thông tin tập trung về thị trường TPDN để hỗ trợ DN phát hành TP. Đồng thời, hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động của TTTP ngày càng được hoàn thiện. Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao dịch, lưu ký, giám sát cũng liên tục được thiết lập, cải tiến. Tất cả, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một thị trường trái phiếu chuyên biệt và thể hiện được vai trò của mình trên thị trường vốn. Đồng thời xây dựng và phát triển TTTP một cách bền vững. Đảm bảo an toàn hệ thống và từng bước tiếp cận các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để trở thành một kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, NĐT đa dạng là một yếu tố quan trọng trên thị trường, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Tại các quốc gia khác trong khu vực, đối tượng tham gia trên thị trường trái phiếu bao gồm nhiều loại hình NĐT như tổ chức an sinh xã hội, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính… với NHTM là trụ cột đầu tư chính. Năm 2017 đánh dấu một cột mốc đáng kể khi sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ đã giúp cho TTTP Việt Nam có thể đa dạng hóa hơn về mặt sản phẩm cũng như các đối tượng đầu tư.Tới nay, hàng hóa trên TTTP đã khá hoàn thiện, bao gồm: TP Chính phủ, TP chính quyền địa phương, TP do CP bảo lãnh và TP doanh nghiệp…
Dù thị trường TPDN Việt Nam đang chập chững trên những bước đi đầu tiên, xu hướng phát hành TP sẽ trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp với cơ chế chính sách chặt chẽ để rộng đường phát triển cho thị trường tiềm năng này. Theo đánh giá của bộ Tài Chính, cuối năm 2017, dư nợ của thị trường TPDN rơi vào khoảng 6,19% GDP, thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ của TTTP doanh nghiệp tại Việt Nam. Đến hết tháng 9/2018, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 79.515 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2015 là 43.500 tỷ đồng, và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 1,48% GDP. Ở cùng thời kỳ, trái phiếu chính phủ tăng 44% so với 2015, và chỉ tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21,5% GDP. Như vậy, quy mô và số lượng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng được mở rộng hàng năm. Sự gia tăng này cũng thể hiện tính tất yếu phát triển của TTTP doanh nghiệp nói riêng và TTTP Việt Nam nói chung ở hiện tại và tương lai.
P/S: Để tìm hiểu đầy đủ hơn về TTTP Việt Nam, NĐT có thể xem trực tiếp trên chuyên trang về TTTP của Bộ Tài Chính tại đây.