Tình hình xuất nhập khẩu VN – Động lực xuất khẩu từ DN trong nước

0
492

Tiếp nối xu hướng phục hồi từ quý 2, xuất khẩu tăng +11.2% trong quý 3 sau khi chỉ tăng +7.1% trong 6T2019, từ đó kéo tăng trưởng 9 tháng lên +8.4%. Ngược lại tăng trưởng nhập khẩu giảm nhẹ trong quý 3, kéo tăng trưởng 9T2019 về bằng với xuất khẩu ở mức +8.4%. Xuất siêu quý 3 đạt 5.44 tỷ USD, tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm là 1.71 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu hàng hóa 9T2019 đạt 194.6 tỷ USD, nhập khẩu là 187.5 tỷ USD, thặng dư thương mại ở mức cao kỷ lục 7.15 tỷ USD.

Xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp trong nước tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Nhóm này đạt mức tăng +16.8% trong 9T2019, tăng mạnh so với mức +12% trong 6T2019. Trong khi đó tăng trưởng của khối FDI vẫn khá yếu ở mức 5.7%. Tỷ trọng xuất khẩu của nhóm trong nước tăng lên 31.5% trong 9T2019 so với mức 29.5% trong năm 2018.

Chiều nhập khẩu cũng thể hiện xu hướng tương tự. Nhóm doanh nghiệp trong nước đạt tăng trưởng +14% so với mức tăng +6.2% của nhóm FDI. Nhóm DN trong nước vẫn nhập siêu 17.4 tỷ USD trong khi nhóm FDI xuất siêu 24.6 tỷ USD.

Xuất khẩu sản phẩm Điện tử phục hồi tích cực nhờ Samsung và doanh nghiệp trong nước

Các sản phẩm Điện thoại, Máy vi tính, và Máy móc thiết bị chiếm 3 vị trí trong Top 4 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhóm này phục hồi là một nguyên nhân quan trọng giúp xuất khẩu tăng trong quý. Xuất khẩu các mặt hàng này đạt tăng trưởng +8.7%, +25.7% và +12.7% trong Q3/2019, phục hồi đáng kể so với 6 tháng đầu năm (tăng lần lượt +3.9%, +14.2% và +6.5%) và đạt giá trị tương ứng 38.8 tỷ, 25.6 tỷ và 13 tỷ USD sau 9 tháng.

Đáng chú ý, mặc dù các mặt hàng Điện tử vốn là lãnh địa và sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nhóm FDI, nhóm doanh nghiệp nội đang thể hiện bước tiến ấn tượng. Cụ thể, sản phẩm Điện thoại thương hiệu Việt Vsmart đã lần lượt được xuất khẩu sang các nước Tây Ban Nha, Myanmar và Nga trong năm nay. Trong 9T/2019, XK Điện thoại và linh kiện của nhóm DN trong nước tăng 1321%, đạt giá trị 1.48 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 3.8%); XK Máy vi tính đạt 2.59 tỷ USD, tăng 174% và chiếm tỷ trọng 10.2%; XK Máy móc thiết bị đạt giá trị 2.03 tỷ USD, tăng 62% và chiếm 15.5%.

Samsung chính thức ra mắt sản phẩm Galaxy Note 10 trong tháng 8, với lượng đơn đặt hàng trước cao gấp đôi Note 9 ra 1 năm trước đó. Nhờ sự thành công của Note 10, xuất khẩu Điện thoại dần phục hồi với giá trị đạt 15.3 tỷ USD trong Q3, lũy kế 9T đạt 38.8 tỷ USD, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu. Tuy vậy, doanh thu của cả Samsung và Samsung Vietnam đã giảm 3 quý liên tiếp tính tới Q2/2019 do những khó khăn trên toàn cầu. Trong các thị trường XK, bên cạnh Hoa Kỳ và Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh từ đầu năm (+53% và +25% trong Q3), Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bật tăng mạnh (+63% và +47%), trong khi 2 thị trường lớn nhất về xuất khẩu Điện thoại là Trung Quốc và EU vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Gỗ, Dệt may, và Giày dép tăng trưởng ổn định

Gỗ và sản phẩm Gỗ tiếp tục là điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam năm nay, là mặt hàng xếp thứ 6 với giá trị xuất khẩu 7.52 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng +17.9% cao nhất trong top 10 mặt hàng XK. Trong khi đó, nhập khẩu Gỗ đạt giá trị 1.87 tỷ USD, tăng +13% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt 5.6 tỷ USD.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu Gỗ lớn nhất, với giá trị 3.65 tỷ USD, chiếm tới 50% tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng, tăng +34% so với cùng kỳ. Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước mới đáp ứng khoảng 75% nhu cầu sản xuất nên nhập khẩu gỗ của Việt nam vẫn lớn và liên tục tăng dần trong các năm gần đây. Trước năm 2016, ASEAN (chủ yếu là Lào và Campuchia) cung cấp hơn 50% nhu cầu nhập khẩu, tuy nhiên nhóm này giảm dần và Việt Nam đã đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, tăng dần ở Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU với tỷ trọng đạt 31%, 19%, 11.4% và đặc biệt nhập khẩu từ Châu Phi tăng mạnh trong năm 2019 chiếm 4.5% nhưng chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Xuất khẩu Hàng Dệt may có phần chậm lại, tăng 9.1% trong Q3 so với mức tăng 10.4% trong 6T2019, tổng giá trị XK 9 tháng đạt 24.6 tỷ USD, tăng 9.6% và lần đầu tốc độ tăng trưởng giảm xuống dưới 2 chữ số kể từ năm 2018. Trong đó, 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đều có mức tăng dưới 7% đã kéo giảm tăng trưởng chung. Nhìn một cách rộng hơn, trong 9T2019, tổng cầu dệt may thế giới đạt 476 tỷ USD, giảm nhẹ 0.81% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng dệt may của một số quốc gia cạnh tranh đều tăng rất thấp và thậm chí giảm như Trung Quốc giảm -2.5%, Ấn Độ tăng 0.97%, Bangladesh tăng 4.57%, Thổ Nhĩ Kỳ giảm -1.29%, Indonesia tăng 4.15%. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng của Việt Nam vẫn là một con số đáng khích lệ.

Xuất khẩu Giày dép giữ mức tăng trưởng ổn định, +12.9% trong 9T đạt tổng giá trị 13.25 tỷ USD, xếp thứ 4 trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu Nông sản có dấu hiệu phục hồi trong Quý 3

Ngoại trừ Gỗ, các mặt hàng nông sản nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. 7 mặt hàng tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.

Cà phê giảm mạnh -20.9% chỉ đạt giá trị 2.15 tỷ USD trong 9T2019, do cả lượng giảm -12.5% và giá giảm -9.6% so với cùng kỳ. Sản lượng cà phê ở tất cả các khu vực trừ Mexico và Trung Mỹ đều tăng, dự trữ cà phê tại một số thị trường lớn như Mỹ tiếp tục tăng khiến giá cà phê giảm thấp, người trồng cũng hạn chế bán giá thấp. Cà phê đã rơi xuống dưới Hạt điều và Gạo và xếp thứ 6 trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Hạt điều, Gạo và Hạt tiêu đều có tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu nhưng giá giảm mạnh, tương ứng -21.8%, -13.4% và -22.7% khiến giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm. Ngược lại, giá xuất khẩu Sắn tăng nhẹ 1.8% nhưng lượng vẫn giảm -5.1% khiến giá trị xuất khẩu giảm nhẹ -3.5%. Cao su và Chè đạt tăng trưởng tương ứng +6.5% và +9.4% tuy nhiên các mặt hàng này vẫn có giá trị khá thấp, với 1.53 tỷ và 167 triệu USD.

Hàng Rau quả cũng giảm mạnh hơn -20% trong Q3 kéo giảm tăng trưởng 9T2019 xuống -5.1% đạt 2.82 tỷ USD xếp thứ 3 sau Gỗ và Hàng thủy sản. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với tỷ trọng 72% trong 9T2019, tương đương giá trị 1.93 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh gần -40% trong Q3 do nước này tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm dịch. Bù lại, XK sang tất cả các thị trường chính khác đều tăng trên 10%, đặc biệt EU tăng 42%, ASEAN tăng 79%, Đài Loan tăng 90%, Hongkong tăng 376%. Hàng rau quả vẫn là mặt hàng đầy tiềm năng của Việt Nam với khả năng tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường mới. Việc giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc được đánh giá là bước lùi tích cực để Việt Nam đa dạng hóa thị trường và tập trung vào các thị trường khó tính hơn.

Một điểm tích cực là một số mặt hàng đã có dấu hiệu phục hồi trong Q3. Giá trị xuất khẩu Hạt điều, Gạo, Sắn, Chè đều đã trở lại tăng tưởng với mức tăng khá tốt trong Q3 như Sắn +33.4%, Chè +12.4%, Hạt điều +7.9%, Gạo +7.2%, bù cho mức giảm nửa đầu năm.

Có hay không dấu hiệu lẩn tránh thương mại?

Hàng xuất khẩu của Việt Nam đi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh +27.9% trong 9T2019, bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì tăng tưởng ở mức 10%. Ngược lại, một số thị trường chính khác tăng rất thấp và thậm chí giảm như EU, Trung Quốc, Hongkong, UAE.

Trong các thị trường nhập khẩu, Trung Quốc và Hoa kỳ có mức tăng mạnh nhất 9T2019, tương ứng +17.4% và +18.6%, tiếp theo là Đài Loan và EU.

Xuất khẩu đi Hoa Kỳ tăng mạnh đi kèm với nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu đi Trung Quốc giảm có thể được cho là ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Ảnh hưởng này dựa trên các suy luận như: (i) Hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ sẽ tìm cách thâm nhập sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam; (ii) Hàng Việt Nam tận dụng lợi thế thuế thấp để tăng thâm nhập vào thị trường Mỹ; (iii) Hàng Trung Quốc không xuất được sang Mỹ ở lại thị trường nội địa gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt nam; (iv) Việt Nam tăng nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện máy móc từ Trung Quốc để sản xuất hàng hóa, thành phẩm sau đó xuất sang Hoa Kỳ; và (v) Hàng hóa Trung Quốc qua Việt Nam lẩn tránh thuế tiến vào thị trường Hoa Kỳ.

Nguyên nhân thứ 5 thực tế đã được phát hiện trong một số trường hợp nhưng rất khó có thể phân tích dựa trên các dữ liệu thống kê xuất nhập khẩu được công khai. Một ví dụ là lô Nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu gian lận thương mại với giá trị lên tới 4.3 tỷ USD, trong khi số liệu của TCHQ cho thấy tổng giá trị nhập khẩu Kim loại thường khác và Sản phẩm từ kim loại thường khác mới đạt 1.95 tỷ USD trong 9T2019, tăng +36% yoy chưa phải mức quá đột biến.

  – SSI –  

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here