Ông chủ Tân Hiệp Phát là ai? Vì sao bị bắt?

0
175

Ông chủ Tân Hiệp Phát là Tiến sĩ Trần Quí Thanh, ông được biết đến là người sáng lập của tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát. 

Ông Trần Quí Thanh bắt đầu khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất nước giải khát nhỏ vào năm 1994, sau nhiều năm nghiên cứu sản xuất và bán ra thị trường nhiều sản phẩm nước uống đa dạng, Tân Hiệp Phát trở thành công ty công nghiệp nước giải khát ở Việt Nam.

Năm 2009, Tân Hiệp Phát mới là cái tên nổi lên trên thị trường nước giải khát tại Việt Nam khi nước tăng lực Number 1 và trà thảo mộc Dr. Thanh rồi đến trà xanh Không Độ trải rộng trên kệ hàng ở khắp vùng nông thôn Việt Nam. 

Tân Hiệp Phát được biết đến là một công ty gia đình nhưng có lợi nhuận rất lớn, có năm lợi nhuận công bố vượt qua cả các ông lớn nước ngoài như Pepsi và Coca-Cola. Tỷ suất lợi nhuận của Tân Hiệp Phát cũng rất cao.

Sau nhiều năm cạnh tranh quyết liệt, thị trường nước giải khát đóng chai Việt Nam đã định hình rõ nét nhóm doanh nghiệp thống lĩnh gồm 3 cái tên từ khối FDI là Suntory Pepsi, Coca-Cola, URC cùng 2 doanh nghiệp nội là Tân Hiệp Phát và Masan.

Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát có rất nhiều tai tiếng sau vụ việc “con ruồi” đầy tranh cãi.

Sự việc trên đã khiến cho nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với các sản phẩm của Tân Hiệp Phát phân phối. Doanh thu tại thời điểm xảy ra sự việc đã bị thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho rằng đây là “cái giá” mà doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát phải trả cho những ứng xử thiếu khôn ngoan của mình với đối tác.

Giai đoạn 2014-2017, doanh thu của Tân Hiệp Phát chững lại dù có thêm nhà máy mới Number One Hà Nam đi vào hoạt động.

Từ năm 2018 doanh nghiệp này đã lấy lại đà tăng trưởng và duy trì trong năm 2019 khi có thêm nhà máy Number One Chu Lai mang về cho tập đoàn này gần 1.400 tỷ đồng.

Tham vọng tiền tỷ ở mảng bất động sản

Năm 2018, ông Trần Quí Thanh gây xôn xao dư luận khi quyết định lấn sân vào lĩnh vực bất động sản. Ngay sau đó, Tân Hiệp Phát nhanh chóng thành lập hơn 20 doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ gần 20.000 tỉ đồng để hiện thực tham vọng này.

Ông Thanh ít khi đứng tên sở hữu phần vốn góp trong các công ty thuộc hệ thống Tân Hiệp Phát, mà hầu hết do vợ là bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đứng tên.

Bên cạnh những công ty có vốn tương đối lớn được thành lập gần đây, từ đầu năm 2018 đến nay gia đình ông Thanh cũng thành lập cả chục công ty khác. Một số cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh có vốn 1.200 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản TQT (50 tỷ đồng)…

Tuy nhiên điều bất ngờ là chỉ vài tháng sau khi thành lập, vào tháng 8-9/2019, hầu hết các công ty trong số này đã đột ngột công bố giải thể với cùng lý do là “Không có dự án để đầu tư, phát triển và về việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả”.

Sau khi cho ngưng hoạt động loạt doanh nghiệp thành lập năm 2019 thì sang năm 2021-2022, Tân Hiệp Phát lại cho thành lập khoảng chục công ty mới với vốn điều lệ vài trăm tỉ đồng mỗi đơn vị, tất cả đều hoạt động ngành nghề bất động sản. Các doanh nghiệp này đều do các thành viên trong gia đình ông Thanh nắm vốn và làm đại diện pháp luật, trong đó phần lớn là do bà Trần Uyên Phương đứng tên.

Quỹ đất của gia đình ông Thanh trải rộng khắp cả nước và sở hữu nhiều lô “đất vàng” tại Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu…

Thành lập công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC

Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC của Tân Hiệp Phát được thành lập vào tháng ngày 7.3.2018 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỉ đồng, 2 ngành nghề kinh doanh chính là mua bán nợ và dịch vụ môi giới, tư vấn mua bán nợ. Cổ đông lớn của công ty là bà Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương. Mỗi người sở hữu tỉ lệ vốn góp 50%.

Công ty Mua bán nợ VNAMC ra đời sau gần 1 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Cùng thời điểm đầu năm 2018, ngoài VNAMC, có hàng chục công ty mua bán nợ xấu khác ra đời. Mục tiêu chính của các đơn vị này nhằm thâu tóm dự án bất động sản bị thế chấp tại ngân hàng với giá rẻ, từ đó tiến đến phát triển hoặc chuyển nhượng.

Tại sao ông Trần Quí Thanh bị bắt?

Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát.

Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung Đơn của một số công dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020.

Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định: Hành vi của Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Ngày 8/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Ngày 10/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 09 địa điểm đối với 3 bị can.

Các Quyết định, Lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn theo quy định pháp luật./.

Nhiều cá nhân tố cáo

Theo C01, cơ quan này thụ lý đơn tố cáo của nhiều người với cha con ông Trần Quí Thanh như: ông Lê Văn Lâm (tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Chung (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) và ông Lâm Sơn Hoàng (ngụ Phú Nhuận, TP.HCM). Cùng bị tố cáo với cha con ông Thanh là một số cá nhân khác.

Các cá nhân đứng đơn tố cáo các sự việc khác nhau nhưng đều có điểm chung là từng vay tiền của ông Trần Quí Thanh và họ cho rằng sau đó bị “ép” phải chuyển nhượng bất động sản cho ông Thanh hoặc con gái, hay công ty do ông Thanh chỉ định.

Chẳng hạn với hai khu đất làm dự án khu dân cư Minh Thành, Nhơn Thành tại tỉnh Đồng Nai, Công ty Kim Oanh cho rằng bản chất là từ trước đây họ chủ động thỏa thuận mua đất của hai cá nhân. 

Do thiếu tiền nên Công ty Kim Oanh đã vay của ông Trần Quí Thanh 350 tỉ đồng và trả lãi, “thế chấp” bằng hai dự án. Việc “thế chấp” được thể hiện bằng hợp đồng giả cách (hợp đồng được lập để che đậy cho một giao dịch khác) là phải chuyển nhượng khu đất cho cá nhân, công ty do ông Thanh chỉ định. 

Thế nhưng sau này, ông Thanh không đồng ý chuyển nhượng lại các khu đất nói trên cho người vay, khi giá trị khu đất đã tăng vọt lên tới hàng ngàn tỉ đồng do biến động của thị trường.

Tương tự, trong đơn tố cáo, ông Nguyễn Văn Chung (37 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết vay tiền của bà Trần Uyên Phương và ký “hợp đồng giả cách” chuyển nhượng lô đất hàng ngàn mét vuông tại quận Bình Tân nhưng sau đó không được nhận lại đất. 

Hay như ông Lâm Sơn Hoàng (63 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cũng làm đơn tố cáo cho rằng từng vay tiền của cha con ông Thanh, bà Phương và thế chấp bằng các “hợp đồng giả cách” chuyển nhượng nhiều lô đất tại thành phố Thủ Đức, sau đó bị mất đất.