CÂU CHUYỆN HAY!

Trung Quốc rơi vào giảm phát năm 2023?

Nội dung

    Trong khi ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển đang chật vật để kiểm soát lạm phát cao, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – lại đối mặt với vấn đề ngược lại: Giảm phát…

    Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của nước này giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021.

    CPI TQ

    Nước này đang trải qua một thời kỳ giá cả giảm hiếm gặp, khi nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu đi sau giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ trong quý 1 năm nay sau khi Trung Quốc chấm dứt các biện pháp chống dịch hà khắc. Sự suy giảm kéo dài trên thị trường bất động sản, nhu cầu hàng hoá xuất khẩu giảm sút, và xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng đang gây áp lực lên sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

    Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Robin Xing của Morgan Stanley nhận định với Bloomberg: “Chắc chắn là Trung Quốc đang giảm phát”, “Giảm phát sẽ kéo dài bao lâu, điều này tuỳ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách, liệu họ có phản ứng bằng cách phối hợp nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá hay không”, “Họ cần phải đẩy mạnh chi tiêu chính phủ, tăng nợ chính phủ, và phối hợp giữa nới lỏng chính sách tiền tệ với nới lỏng tài khoá để có thể phá vỡ cái bẫy giảm phát nợ này”.

    Không giống như đợt giảm giá tiêu dùng diễn ra chóng vánh ở Trung Quốc vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do giá thịt lợn giảm, đợt giảm lần này được thúc đẩy bởi các yếu tố dài hạn hơn như nhu cầu bên ngoài giảm và suy thoái bất động sản. Với giá xuất khẩu giảm, Trung Quốc sẽ truyền áp lực giảm phát sang các nước khác thông qua hoạt động thương mại hàng hoá quy mô lớn.

    Tác động đến Việt Nam từ góc nhìn thương mại và thu hút FDI

    Từ góc nhìn hoạt động thương mại, sự suy yếu trong nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc tác động tới đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, từ đó tạo áp lực giảm giá lên nhiều hàng hóa. Hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, nhập khẩu được hàng hóa rẻ hơn sẽ giúp giảm lạm phát, ngược lại, hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh vô cùng lớn.

    Trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Nhu cầu yếu sẽ làm ảnh hưởng tới các ngành nghề có tỷ lệ xuất khẩu cao sang Trung Quốc như gỗ, giấy, rau củ…

    Thêm vào đó, việc đồng nhân dân tệ (CNY) giảm giá mạnh cũng đang gây áp lực lên hoạt động thương mại 2 nước khi mà áp lực nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng do hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên rẻ hơn. Các sản phẩm bị ảnh hưởng như hàng nông lâm thủy sản, đồ nội thất, sắt thép, vật liệu xây dựng… Đồng thời, tỷ giá trong nước cũng chịu áp lực tăng từ diễn biến giảm sâu của CNY.

    XNK TQ

    Tuy nhiên, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc cũng phần nào làm giảm rủi ro lạm phát trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi.

    Từ góc nhìn thu hút vốn đầu tư FDI, quá trình chuyển dịch nền kinh tế của Trung Quốc sẽ làm xáo trộn chuỗi giá trị và cung ứng trên toàn cầu. Bên cạnh các yếu tố thuộc về cấu trúc và rủi ro địa chính trị còn dai dẳng sẽ là động cơ để các nhà sản xuất tìm kiếm các thị trường mới để đặt nhà máy sản xuất, trong đó có Việt Nam.

    Đi kèm với sự tập trung vào các ngành công nghệ cao, các lĩnh vực chế biến chế tạo và công nghiệp nặng dần bị thu hẹp sẽ là điều kiện cho Việt Nam có thể mở rộng và tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu với nhóm đối tượng này là tương đối lớn.

    Chú thích:

    Giảm phát là sự sụt giảm chung về giá cả hàng hóa và dịch vụ, thường liên quan đến sự giảm cung tiền và tín dụng trong nền kinh tế. Trong thời kỳ giảm phát, sức mua của tiền tệ tăng lên theo thời gian. Về cơ bản, bạn có thể mua nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn vào ngày mai với cùng số tiền bạn có hôm nay.

    Mặc dù giảm phát có vẻ là một điều tốt, nhưng nó có thể báo hiệu một cuộc suy thoái sắp xảy ra và thời kỳ kinh tế khó khăn. Chi tiêu thấp hơn dẫn đến thu nhập ít hơn cho người sản xuất, điều này có thể dẫn đến thất nghiệp và lãi suất cao hơn. Vòng lặp phản hồi tiêu cực này tạo ra tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, giá cả thấp hơn và chi tiêu thậm chí ít hơn. Trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, các giai đoạn giảm phát thường đi đôi với suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

    chungcong.com

    Hiện tôi đang là chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Việt Nam. Blog này được tôi lập ra để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện trong đầu tư chứng khoán. Đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để có một chiến lược đầu tư tốt nhất, phù hợp nhất!
    Back to top button