6 vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng năm 2022
Tổng hợp lại những vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng năm 2022:
- Đại án Việt Á, 102 người bị khởi tố.
- Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
- Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh).
- Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) liên quan đến sai phạm trong trái phiếu doanh nghiệp.
- Vụ lũng đoạn chứng khoán của ông Đỗ Thành Nhân.
- Xét xử vụ Địa ốc Alibaba: Kỷ lục hơn 4.000 bị hại.
1. Đại án Việt Á: 102 người bị khởi tố
Sau gần một năm khởi tố vụ án, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 102 người liên quan vụ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, trong đó có 8 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
Mới đây nhất, ngày 30/11/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Trịnh – trợ lý của Phó thủ tướng.
Trong vụ án này, có 3 nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị bắt gồm: cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Theo thông tin từ Bộ Công an, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
2. Vụ thao túng giá chứng khoán: Ông Trịnh Văn Quyết vào tù
Ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh thêm các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Tiếp đó, ngày 25/8, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cùng với bà Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế và Hương Trần Kiều Dung. Bốn người này bị điều tra hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.
Bước đầu xác định, tính đến ngày 24/02/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
ROS là một trong những cổ phiếu đã đưa ông Trịnh Văn Quyết trở thành tỷ phú USD cũng như người giàu nhất sàn chứng khoán vào năm 2017, vượt mặt Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup. Quy mô tài sản của ông Quyết tại thời điểm đó đạt hơn 58.800 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, các cổ phiếu trong hệ sinh thái “FLC” liên tiếp đối diện với vô vàn khó khăn, bao gồm cả ROS. Mã ROS đã đóng cửa tại mức 2.510 đồng/cổ phiếu ngày 11/8/2022, chịu áp lực bán tháo mạnh trước khi bị đình chỉ giao dịch vào ngày 12/8.
Theo quy định, cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM. ROS có thể đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM.
3. Vụ án liên quan Tân Hoàng Minh: Ông Đỗ Anh Dũng bị bắt
Ngày 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Năm 2022, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cũng gây xôn xao dư luận khi bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Cụ thể, ông Dũng đã tham gia đấu giá lô đất 3-12, khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức với mức giá 24.500 tỷ đồng (tính khoảng 2,4 tỷ đồng/m2). Tuy nhiên ông Dũng đã xin đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do “tránh gây ra sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và kinh tế”.
4. Vụ án liên quan Vạn Thịnh Phát: Bắt “đại gia” Trương Mỹ Lan
Ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Cơ quan chức năng đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật.
Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam các bị can: Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Liên quan đến vụ án lừa đảo trên, Bộ Công an đã khởi tố thêm 27 bị can. Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019.
5. Vụ lũng đoạn chứng khoán của ông Đỗ Thành Nhân
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings.
Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings. Ông Nhân bị điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Đồng thời cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người khác gồm: Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Trí Việt; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc hành chính Công ty Cổ phần Louis Holdings và Lê Thị Thùy Liên, nhân viên dịch vụ tài chính Công ty Cổ phần chứng khoán Trí Việt.
Kết luận điều tra xác định, từ 2020 đến cuối 2021, Louis Holding của ông Nhân mua cổ phần sở hữu thêm nhiều công ty, trong đó có 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo nhóm “hệ sinh thái” Louis Holdings. Ông Nhân cùng người thân, bạn bè mua lại 9 triệu cổ phiếu BII của Công ty công nghiệp Bảo Thư, một doanh nghiệp hoạt động yếu kém, có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn.
Dưới sự tư vấn của ông Đỗ Đức Nam, ông Nhân tiếp tục mua bán, thâu tóm cổ phiếu “rác” mã TGG của Công ty cổ phần Trường Giang trên sàn với giá 1.800 đồng/cổ phiếu.
Khi có hai mã cổ phiếu BII và TGG trong tay, ông Nhân bàn với Nam tìm cách thao túng. Họ mở các tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè, người thân của ông Nhân để mua bán, thâu tóm cổ phiếu. Mục đích của việc này nhằm tăng tính thanh khoản, đẩy giá BII và TGG tăng cao nhằm thu lợi bất chính.
Theo cơ quan điều tra, ông Nhân đã thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã BII và TGG, thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng.
6. Xét xử vụ Địa ốc Alibaba: Kỷ lục hơn 4.000 bị hại
Sau nhiều tháng trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án nhân dân TP. HCM quyết định đưa vụ án Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền, từ ngày 8/12/2022 đến 6/1/2023.
Đây là vụ án “phá vỡ nhiều kỷ lục từ trước đến nay” như: hồ sơ gồm cả triệu bút lục, được đựng trong 140 rương phải chuyển bằng hai xe tải; gần 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó gần 4.000 bị hại và 100 người có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập (theo quyết định đưa ra xét xử)…
Theo cáo trạng, từ tháng 5/2016, Luyện (cử nhân luật) thành lập Công ty địa ốc Alibaba với vốn điều lệ một tỷ đồng. Trong hai năm, công ty thay đổi vốn thêm hai lần lên mức 1.600 tỷ đồng, song thực tế số vốn này chỉ tăng trên giấy tờ. Với vai trò Chủ tịch HĐQT và lợi thế hiểu biết Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh các dự án bất động sản “ma”.
Luyện thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, trong đó sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người. Thực tế, các công ty này không hoạt động kinh doanh và không có nguồn thu độc lập.
Toàn bộ dự án dân cư được vẽ trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Bằng các thủ đoạn này, Chủ tịch địa ốc Alibaba và đồng phạm là nhân viên dưới quyền đã chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 người tố cáo bị chiếm đoạt 2.108 tỷ.