PHÂN TÍCH VĨ MÔTRUNG TÂM PHÂN TÍCH

Báo cáo cập nhật số liệu vĩ mô tháng 11

Nội dung

    Cập nhật các chỉ số vĩ mô của Việt nam tháng 11/2019 với một số điểm nổi bật như sau:

    • Chỉ số công nghiệp tháng 11 tăng +5.4% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất 34 tháng và chỉ xấp xỉ một nửa mức tăng của 10 tháng đầu năm là +9.5%. Sự sụt giảm mạnh của sản xuất công nghiệp tháng 11 đến từ nhiều cấu thành. Khai khoáng giảm -5.3% trong khi 10 tháng còn tăng +1.2%; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng thấp +6.5% (10 tháng tăng +10.8%).
    • Do giảm sút trữ lượng, khai thác dầu khí dự kiến sẽ giảm đều khoảng 10% mỗi năm cho đến năm 2025, vì vậy không bất ngờ khi Khai thác Dầu thô và khí tự nhiên tháng 11 giảm -10.4% (10 tháng giảm -2.5%). Khai thác than tháng 11 tăng chậm lại, +6.6% trong khi 10 tháng tăng +12.2%. Sự chậm lại của Khai thác than có tính mùa vụ do thời tiết mát mẻ và thủy điện được huy động nhiều hơn. Tháng 11/2018 chỉ số công nghiệp Khai thác than giảm -1.8% (10 tháng 2018 tăng +10.7%).
    • Chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo tháng 11 tăng thấp nhất 34 tháng do một số ngành lớn tăng trưởng chậm. Ngành chế biến than cốc và sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm sâu -46% do nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn bước vào giai đoạn bảo dưỡng. Không tính đến yếu tố bảo dưỡng thì chỉ số Sản xuất than cốc và dầu mỏ tính chế cũng sẽ tăng thấp hoặc âm do không còn yếu tố nền thấp của cùng kỳ (nhà máy Nghi Sơn đã bắt đầu sản xuất từ tháng 6/2018). Sản xuất sản phẩm điện tử tháng 11 chỉ tăng +2.1%, thấp nhất 7 tháng (10 tháng tăng +7.5%). Ngoài một số ngành có tỷ trọng lớn và vốn có tăng trưởng cao bị sụt giảm, đa phần các ngành công nghiệp khác vẫn ổn định, thậm chí có cải thiện trong tháng 11.
    • Sản xuất kim loại đã tăng chậm lại đáng kể từ tháng 10 (+13.2%). Một phần nguyên nhân đến từ nền cao của cùng kỳ 2018 (tháng 10 và 11/2018 chỉ số này đều tăng tới +40%) nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân cạnh tranh từ thép nhập khẩu. Nhập khẩu thép tháng 11 tăng mạnh +10.7% trong khi 10 tháng còn giảm -2.88%. Lưu ý tăng trưởng cao của ngành Sản xuất kim loại chủ yếu đến từ dự án thép Formosa nên bất kỳ biến động nào từ nhà máy này cũng ảnh hưởng đến toàn ngành, tương tự như Samsung đến công nghiệp Điện tử.
    • Xuất khẩu tháng 11 tăng rất thấp, +3.8%, thấp nhất 9 tháng. Trong đó khối doanh nghiệp trong nước tăng +25.8% còn khối FDI giảm -4.5% (trong đó xuất khẩu dầu thô giảm -9.2% và xuất khẩu hàng hóa khác giảm -4.4%). Mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất là Điện thoại giảm -1.5%, là tháng đầu tiên giảm âm trong 9 tháng gần nhất. Ngược lại, xuất khẩu máy vi tính và sản phẩm điện tử tăng mạnh +29.7%. Nhờ có tăng trưởng cao liên tục, máy vi tính và sản phẩm điện tử đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2, vượt qua dệt may
    • Không giảm cùng chiều với xuất khẩu, nhập khẩu nhích tăng trong tháng 11, lên +4.5%, vì vậy cán cân thương mại ước tính chỉ còn xuất siêu 100 triệu USD (tháng 10 xuất siêu 1.86 tỷ USD). Nhập khẩu linh kiện điện thoại giảm -13.4%, mức thấp nhất 8 tháng, một chỉ báo không mấy tích cực cho sản xuất điện thoại trong những tháng sắp tới. Số liệu xuất nhập khẩu do TCTK công bố mới là số ước tính và có thể có thay đổi tương đối lớn khi Tổng cục Hải quan công bố số liệu chính thức trong vòng 1-2 tuần tới.
    • CPI tháng 11 tăng +0.94% so với cuối tháng 10, mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 9/2013. Nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao trong tháng 11 là giá thịt lợn. Dịch tả lợn Châu Phi làm giảm nguồn cung thịt lợn (ước tính đàn lợn giảm -20%) kèm với giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng chóng mặt đã đẩy giá thịt lợn tại Việt nam. Giá thịt lợn vào cuối tháng 11 vượt 70 nghìn đồng/kg, tăng +26% so với cuối tháng 10, làm CPI Thực phẩm tăng +4.11%. Ngoài Thực phẩm, không có nhóm mặt hàng nào tăng giá đáng kể trong tháng 11.
    • Khách quốc tế đến Việt nam trong tháng 11 đạt 1.8 triệu lượt khách, tăng +39% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng cao nhất 23 tháng. Sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc là động lực chính với mức tăng +77%, bên cạnh đó nhiều thị trường khác cũng có tăng trưởng cao như Đài Loan (+37.5%), Thailand (+42.9%). Khách đến từ Châu Âu cũng có tăng trưởng khả quan hơn, +13.4%, cao nhất 22 tháng, với đóng góp chính từ khách Nga, tăng +16.8%. Tính chung 11 tháng, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt nam là 16.3 triệu lượt người, tăng +15.4%.

    Các phân tích chi tiết về tình hình vĩ mô tháng 11/2019 chúng tôi sẽ gửi tới các anh chị và các bạn trong một vài ngày tới.

    chungcong.com

    Hiện tôi đang là chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Việt Nam. Blog này được tôi lập ra để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện trong đầu tư chứng khoán. Đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để có một chiến lược đầu tư tốt nhất, phù hợp nhất!
    Back to top button