TPB: Tiếp tục duy trì lợi nhuận tăng trưởng cao
Với mức tăng trưởng LNTT 49% YoY trong 9 tháng đầu năm 2019 (đạt trên 2,4 nghìn tỷ lợi nhuận), TPB là ngân hàng tăng trưởng nhanh thứ ba trong danh sách theo dõi của chúng tôi. Mức tăng trưởng này đạt được là nhờ cả thu nhập lãi, thu nhập dịch vụ và thu nhập khác đều tăng trưởng mạnh, dù chi phí dự phòng cũng tăng cao do TPB tập trung tất toán hết dư nợ VAMC trong quý 3. Trong thời gian tới, khi TPB xác định sẽ giảm chạy đua thị phần về cho vay ô tô mà chuyển hướng sang cho vay các phân khúc ít rủi ro hơn, tăng trưởng thu nhập nhiều khả năng sẽ chậm lại. Bù lại, dự kiến chất lượng tài sản sẽ được cải thiện và gánh nặng dự phòng sẽ được giảm bớt.
Thu nhập lãi tiếp tục tăng trưởng tốt
TPB đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm, với mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 15% và 9 tháng đạt 18%. Mức tăng trưởng này chỉ thấp hơn so với đối thủ được cho là có nhiều điểm tương đồng nhất với TPB là VIB (tăng tín dụng 27% so với đầu năm). Cùng với đó, NIM (trượt 12 tháng) tiếp tục cải thiện đáng kể từ 3,7% trong năm 2018 lên 4,2%. NIM tăng là nhờ lợi suất tài sản tăng 78 bps, mà theo chúng tôi điều này là nhờ việc mở rộng sang cho vay bán lẻ, trong đó chủ yếu là cho vay mua nhà và ô tô. TPB là một trong những ngân hàng có sự chuyển đổi rõ rệt sang cho vay bán lẻ nhất với tỷ trọng tăng tương ứng hơn 10 ppt từ nửa đầu 2017 đến nay. Tuy nhiên, sự gia tăng trong lợi tức tài sản bị bù đắp một phần bởi việc chi phí vốn tăng 37 bps, do xu hướng đẩy lãi suất tiền gửi lên cao và danh mục trái phiếu tăng 50% so với đầu năm. Dù vậy, việc cả dư nợ và biên lãi ròng mở rộng nhanh đã giúp cho thu nhập lãi tiếp tục tăng trưởng đáng kể 32,6% YoY trong 9 tháng, cao hơn so với các ngân hàng niêm yết khác.
Thu nhập tăng trưởng nhanh còn nhờ thu nhập phí và thu nhập khác
Bên cạnh thu nhập lãi, thu nhập dịch vụ và thu nhập từ các nguồn khác cũng tăng nhanh với mức 72,3% và 86,8% YoY, nhờ đó thu nhập hoạt động ghi nhận đà tăng trưởng 9 tháng ấn tượng 43,4% YoY.
Phí dịch vụ chủ yếu được đóng góp bởi thu từ hoạt động bancassurance, đạt 397 tỷ đồng, +70% YoY và chiếm tỷ trọng 52,4%. Ngoài ra, thu nhập từ thanh toán cũng mở rộng gần gấp đôi và đóng góp 21,4% vào phí dịch vụ. Trên cơ sở định hướng tiếp tục tăng trưởng tín dụng cao trong những năm tới của TPB, chúng tôi tin rằng tăng trưởng kép hàng năm của thu nhập bancassurance có thể đạt 50% mỗi năm trong ba năm tới. Dù vậy, tăng trưởng phí thanh toán có thể sẽ chậm lại vì TPB đã bắt đầu áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản trực tuyến và rút tiền mặt ATM cho khách hàng từ tháng 11 vừa rồi.
Chúng tôi cũng nhận thấy thu nhập khác tăng nhanh là do thu nhập từ chứng khoán đầu tư đã tăng 137,3% YoY lên 824 tỷ đồng, nhiều khả năng từ việc thanh lý trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Về chi phí hoạt động, CIR của TPB đã liên tục cải thiện kể từ năm 2016 nhờ thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh. Cụ thể, chi phí hoạt động 9 tháng đầu 2019 tăng 22% YoY nhưng CIR giảm mạnh xuống còn 41,8% từ 49,0% của cùng kỳ. Trong các khoản mục chi phí hoạt động, chi phí nhân viên chiếm trên 50% và là nguyên nhân chính khiến tổng chi phí hoạt động tăng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy chi phí nhân viên đang có xu hướng tích cực khi tăng trưởng trong riêng quý 3/2019 đã chậm lại đáng kể và được giữ ở mức chỉ 3,3% YoY. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn khi TPB đã đầu tư lớn vào công nghệ để số hóa không chỉ các quy trình liên quan đến khách hàng mà cả trong vận hành nội bộ. TPB tin rằng việc chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao hiệu quả vận hành nhờ tiết giảm các tác vụ thủ công. Đây cũng là xu hướng chung mà các ngân hàng khác như TCB và VPB đang hướng tới.
Gánh nặng dự phòng dự kiến giảm bớt từ năm sau
Trái với xu hướng tích cực trong thu nhập và chi phí hoạt động, chi phí dự phòng của TPB tăng trưởng tới 116% YoY lên mức 962 tỷ đồng trong 9 tháng. Trong đó, khoảng hơn 400 tỷ đồng được dành để tất toán hết các khoản nợ VAMC. Chúng tôi cho vọng rằng khi TPB đã xử lý hết VAMC thì chi phí dự phòng có thể giảm đáng kể từ năm 2020. Mặc dù vậy, một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ nợ xấu của TPB đã tăng đáng kể từ 1,1% vào cuối năm 2018 lên 1,5% vào cuối quý 3. Chúng tôi tin rằng những thay đổi trong định hướng cho vay sang các phân khúc ít rủi ro hơn là một nỗ lực cần thiết của ngân hàng để cải thiện chất lượng tài sản và giảm xu hướng hình thành nợ xấu đang tăng nhanh, dù điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại.
– VCSC –
Đồ thị kỹ thuật