Cỗ máy kiếm tiền Stanley Druckenmiller [Phần 1]
“Cỗ máy kiếm tiền vĩ đại nhất lịch sử” – một người sở hữu kỹ năng phân tích của Jim Roger, khả năng giao dịch của Geogre Soros và sự liều lĩnh của một con bạc – đó là cách người ta mô tả Stanley Druckenmiller. Nghe qua thì quả là một lời tâng bốc, nhưng chỉ cần nhìn vào thành tích của Druckenmiller, bạn sẽ hiểu rằng nó hoàn toàn xứng đáng.
Huyền thoại gần như chưa từng thua lỗ
Druckenmiller đạt tỷ suất sinh lợi trung bình mỗi năm là 30% trong 3 thập kỷ – một thành tích ngoại hạng. Điều thậm chí còn ngạc nhiên hơn chính là ông Druck duy trì một sự ổn định theo cách không thể tin nổi… Ông gần như chưa bao giờ thua lỗ!
Cụ thể, ông chưa có một năm thua lỗ nào, và chỉ có 5 quý đi lùi xét trong 120 quý đầu tư suốt sự nghiệp. Một thành tích thật sự vô tiền khoáng hậu. Tại đỉnh cao sự nghiệp, Druck quản lý hơn 20 tỷ USD và ông vẫn trên đường nối dài kỷ lục.
Mỗi khi ai đó nghiên cứu về Druckenmiller, họ sẽ tìm thấy những đức tính/đặc điểm mà ông đã xây dựng trong một phòng thí nghiệm sâu trong một khu rừng già nào đó, nơi ông đặt từng mảnh ghép một lại với nhau và tạo nên một nhà giao dịch hoàn hảo. Xét mọi phẩm chất tạo nên một nhà đầu cơ giỏi, Druck còn giỏi hơn cả thế, những thứ tựa như:
- Lý trí linh hoạt
- Suy nghĩ độc lập
- Cạnh tranh tối đa
- Không ngừng tò mò, đặt câu hỏi
- Cảnh giác, nhận thức sâu về bản thân
Druckenmiller quá cá biệt, hay có lẽ ông đơn thuần là một nhà giao dịch kiên định không ngừng nghỉ – đang bước đi trên con đường hoàng kim cả đời người. Nói một cách khác, chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội nghiên cứu những suy nghĩ và hành động của một trong những tay chơi hàng đầu của thị trường tài chính.
Điều gì làm cổ phiếu dịch chuyển
Trong cuốn Tân Phù thủy Thị trường (The New Market Wizards) của Jack Schwager, Druckenmiller đã trả lời như sau với câu hỏi về cách mà ông đánh giá cổ phiếu:
“Vào những ngày đầu, tôi tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu kỹ càng mọi khía cạnh của một cổ phiếu hay một ngành công nghiệp. Trước khi trình bày ý tưởng về cổ phiếu đó với hội đồng đầu tư, trước tiên tôi phải nộp bài phân tích cho trưởng bộ phận phân tích. Tôi nhớ như in cái lần mà tôi đưa cho anh ấy bản nghiên cứu về ngành ngân hàng của tôi. Thực sự mà nói, lúc đó tôi rất tự hào về thành quả của mình. Thế nhưng, anh ấy lướt qua nó và nói – ‘Thứ này là đồ bỏ. Điều gì làm cổ phiếu lên và xuống?’
Câu hỏi đó khiến tôi bừng tỉnh, nó giống như khoảnh khắc con chim cúc cu chui ra khỏi chiếc đồng hồ quả lắc vậy. Từ đó về sau, tôi tập trung phân tích để tìm kiếm và xác định những yếu tố trọng số ảnh hưởng đến bước dịch chuyển của giá cổ phiếu, thay vì xem xét mọi yếu tố nền tảng của doanh nghiệp/ngành. Thẳng thắng mà nói, thậm chí đến ngày nay, nhiều chuyên viên phân tích vẫn chả biết điều gì khiến thị giá của những cổ phiếu mà họ theo sát lên và xuống.”
Theo Druckenmiller, thế giới tài chính bị nhồi nhét bởi vô vàn thông tin nhiễu loạn và những thứ vô nghĩa. Thế giới đó lấp đầy bởi những kẻ trông có vẻ thông minh – những kẻ chẳng biết gì về cách mọi thứ thực sự vận hành. Cơ cấu giải thưởng của hệ thống tài chính được thiết lập để trao thưởng cho những anh bạn phân tích nói năng thông minh và biết cách giả vờ là họ biết tại sao cổ phiếu đi lên, chỉ cần có thế là họ có tiền rồi. Điều này đúng với tất cả những kẻ nói nhiều và “những chuyên gia”. Với những người giao dịch bằng tiền thật, họ hoặc sẽ học được cách chơi hoặc sẽ bị đào thải; còn đối với “những chuyên gia” thì không.
Trở thành một kẻ cạnh tranh trong đấu trường tài chính, Druckenmiller được thúc đẩy học hỏi từ sớm về những yếu tố thật sự chi phối các diễn biến giá (giá chứng khoán, tiền tệ,…). Đây là thứ mà ông đúc kết được:
“Những con số lợi nhuận không làm dịch chuyển toàn bộ thị trường, mà chính là Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Hãy giành sự tập trung đối với những động thái của các ngân hàng trung ương và chú ý đến dòng chảy của vốn.”
Theo Stanley Druckenmiller, dòng chảy vốn là sự mở rộng hay co lại của nguồn cung tiền, đặc biệt là vốn tín dụng. Nó chính là biến số lớn nhất dẫn dắt các nhu cầu trong một nền kinh tế và đó chính là lý do tại sao việc luôn để mắt đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là điều tối quan trọng.
Tập trung vào những yếu tố quan trọng và tương lai
Tuy vậy, quan điểm trên không phải nghĩa là phủ nhận tầm quan trọng của những con số doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng vẫn rất quan trọng xét trên mức độ từng cổ phiếu cụ thể. Druckenmiller chia sẻ:
“Rất thường xuyên, yếu tố trọng số sẽ liên quan đến thành tích lợi nhuận. Điều này đặc biệt đúng với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, các cổ phiếu ngành hóa chất thì lại khác. Đối với ngành công nghiệp này, yếu tố cốt lõi chính là công suất sản xuất. Thời điểm lý tưởng để mua cổ phiếu ngành hóa chất là sau khi công suất của ngành giảm mạnh và có một yếu tố xúc tác mà bạn đánh giá rằng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia tăng. Ngược lại, thời điểm lý tưởng để bán những cổ phiếu này là khi thông tin về những nhà máy mới xuất hiện, chứ không phải là khi lợi nhuận sụt giảm. Lý do cho mẫu hình chiến lược này chính là việc phát triển những nhà máy mới bao hàm ý nghĩa rằng lợi nhuận sẽ đi xuống trong khoảng 2 đến 3 năm tiếp theo, và thị trường có xu hướng dự đoán những tiến trình như vậy.”
Thị trường là một cỗ máy chiết khấu tương lai. Điều này nghĩa là lợi nhuận đương nhiên ảnh hưởng lên giá cổ phiếu, nhưng lợi nhuận tương lai thì quan trọng hơn là lợi nhuận quá khứ.
Hầu hết người tham gia thị trường cứ lấy những con số lợi nhuận gần đây rồi phóng chiếu chúng vào tương lai. Họ thất bại trong việc thật sự nhìn vào cơ chế dẫn dắt lợi nhuận ròng của một công ty hay một ngành cụ thể. Chìa khóa để làm một nhà đầu tư/nhà giao dịch giỏi là phải xác định được những yếu tố sẽ dẫn dắt những con số lợi nhuận tương lai, chứ không phải những thứ đã dẫn dắt lợi nhuận trong quá khứ.
Druckenmiller từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Công việc tôi làm suốt 30 năm qua là dự đoán những thay đổi xu hướng trong dòng chảy kinh tế mà những kẻ khác không nghĩ đến, và vì thế chúng chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu.”
Sử dụng bất cứ gì hiệu quả
Một điều khiến ông Druck trở nên vượt trội là việc ông sẵn sàng sử dụng bất cứ thứ gì có hiệu quả, kiểm soát và ứng dụng bất kể phong cách đầu tư nào hay dùng bất cứ công cụ gì để truy tìm những giao dịch/khoản đầu tư tốt. Druckenmiller cho biết:
“Một nguyên tắc mà tôi học được đã giúp tôi xác định liệu một cổ phiếu sẽ lên hay xuống đó là phân tích kỹ thuật. Drelless (sếp cũ của Druckenmiller) cực kỳ nghiêng về phân tích kỹ thuật và tôi có lẽ là kẻ có thể thoải mái tiếp thu những kiến thức về phân tích kỹ thuật nhiều hơn so với bất cứ ai tại nơi làm việc. Thậm chí mặc dù Drelles là sếp, nhiều người nghĩ rằng ông ấy cứ như một gã cuồng khi nhìn thấy số lượng sách về đồ thị kỹ thuật mà ông sở hữu. Tuy nhiên, tôi thấy rằng phân tích kỹ thuật có thể sẽ rất hiệu quả.
Tôi không bao giờ dùng định giá để xác định thời điểm giao dịch trên thị trường. Tôi xem xét dòng tiền và dùng những phân tích kỹ thuật để xác định thời điểm.”
Druckenmiller nói rằng ông sử dụng những cách tiếp cận tổng hợp – từ phân tích cơ bản, vĩ mô, kỹ thuật cho đến phân tích tâm lý – để có thể mở rộng tầm nhìn về cuộc chiến mà ông tham gia.
* Cỗ máy kiếm tiền Stanley Druckenmiller [Phần cuối]
Thừa Vân – Vũ Hạo (lược dịch)