PHÂN TÍCH VĨ MÔTRUNG TÂM PHÂN TÍCH
EVFTA: EU XÓA BỎ THUẾ NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Nội dung
Hôm qua ngày 25/6, Hội đồng châu Âu vừa phê chuẩn các hiệp định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được ký kết vào ngày 30/6 tại Hà Nội.
Hiệp định này trải qua tiến trình rất dài, được khởi động đàm phán từ năm 2010. Từ năm 2012, hai bên chính thức đàm phán qua nhiều cấp, nhiều vòng khác nhau. Từ năm 2015, cơ bản kết thúc đàm phán, chuyển qua rà soát pháp lý. Lúc này EU có 28 quốc gia, mỗi quốc gia có khác nhau về khuôn khổ pháp lý. Trong đó, các ý kiến đều xoay quanh hai vấn đề và cần tách ra. Đó là Tự do hóa thương mại và hiệp định bảo hộ đầu tư.
Hiệp định sẽ tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?
- Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau bảy năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
- Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
- Theo bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
- Năm 2018, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 480,17 tỷ USD tăng 12,64% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu sơ bộ đạt 243,48 tỷ USD và nhập khẩu sơ bộ đạt 236,69 tỷ USD.
Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam 5 tháng đầu năm 2019:
- Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ…