Eximbank sóng ngầm chưa dứt – Hậu Lê Hùng Dũng

0
123

Nhiều năm sau khi ông Lê Hùng Dũng rời Eximbank, ngân hàng này vẫn chưa ổn định xong nhân sự. Sóng ngầm vẫn diễn ra và tình hình kinh doanh tiếp tục gặp nhiều vướng mắc.

Cuối năm 2015 đến nay, ghế chủ tịch HĐQT của Eximbank đã 8 lần đổi chủ: từ ông Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, sau đó lại về ông Lê Minh Quốc, đến ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông, rồi lại tiếp tục quay trở lại ông Yasuhiro Saitoh, bà Lương Thị Cẩm Tú và hiện tại là bà Đỗ Hà Phương.

Lịch sử Ông Lê Hùng Dũng:

Ông sinh năm 1954 trong một gia đình cách mạng ở An Giang. Ông theo học Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Praha. Sự nghiệp của ông cũng trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Từ 1986-2003, ông làm Phó giám đốc, rồi giám đốc và Chủ tịch Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam.

Năm 2003, ông Dũng rẽ sang bước ngoặt mới với vị trí Chủ tịch Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC. Trong 11 năm ngồi trên ghế lãnh đạo SJC, ông góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp này, ngoài kinh doanh vàng còn tham gia đầu tư tài chính như mua cổ phần của một số doanh nghiệp, ngân hàng… và mang lại những hiệu quả nhất định. Riêng mảng kinh doanh vàng, năm 2011, doanh nghiệp này đạt doanh số kỷ lục 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng), tăng 50 lần so với 10 năm trước đó.

Trước khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng có hiệu lực (tháng 4/2012), SJC có thị phần vàng miếng lớn nhất cả nước (chiếm hơn 90%). Trong ngày bàn giao toàn bộ thương quyền SJC cho Ngân hàng Nhà nước và nhận về mình địa vị của kẻ “gia công”, ông Lê Hùng Dũng trong vài trò Chủ tịch Hội đồng Thành viên SJC lúc bấy giờ dù vui vẻ nhưng cũng có chút tâm tư. Lúc đó ông nói vui, “nếu SJC là doanh nghiệp tư nhân, ông sẽ “đấu” đến cùng, để đòi Ngân hàng Nhà nước phải trả tiền thương quyền”. Bởi đang làm ăn bình thường, tự chủ mọi thứ, giờ từ địa vị người chủ trở thành người đi gia công. “Hơn nữa, đứa con ruột của mình, nay giao cho người khác, cũng buồn”, ông nói và cho rằng vì cùng là nhà nước và cùng vì lợi ích quốc gia, nên công ty ông phải chấp nhận.

Kể từ sau cột mốc này, cùng với sự ra đi của ông Dũng để nghỉ hưu năm 2014. Sau khi rời Công ty SJC, ông Dũng lúc này cho biết có thời gian tập trung nhiều hơn cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) – nơi ông đã đảm nhiệm chức chủ tịch từ năm 2010. Tại đây, ông được biết đến là người đàn ông có quyền lực nhất dù không nắm một cổ phiếu nào của nhà băng này (ông là đại diện cho hơn 25,6 triệu cổ phiếu vốn góp của Công ty Vàng bạc đá quý SJC).

Trong giai đoạn 2010-2012, lãi ròng của Eximbank năm 2013 thu hẹp chỉ còn gần 700 tỷ, và giảm đột ngột còn chưa tới 70 tỷ đồng vào năm 2014. Hết nhiệm kỳ đầu tiên giữ “ghế nóng”, ông Dũng tái cử chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank. Nhưng chỉ một năm sau đó, năm 2015, ông quyết định từ nhiệm.

Giai đoạn 2005 – 2016, suốt ba nhiệm kỳ làm lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam – VFF (hai nhiệm kỳ làm phó chủ tịch và một nhiệm kỳ làm chủ tịch). Trong quá trình điều hành liên đoàn, ông chịu nhiều ý kiến trái chiều và không phải mọi kế hoạch táo bạo của ông đều thành công, nhưng đa số đều thừa nhận ông vừa là nhân chứng vừa là “người được chọn” để tạo nên một thập niên thay đổi hoàn toàn nền bóng đá Việt Nam.

Thông tin từ VFF cho biết, nguyên chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng qua đời vào lúc 2h15 sáng nay 17-6 năm 2022 tại nhà riêng ở TP.HCM.

Eximbank và các lần đổi chủ:

Ngày 15/12/2015, ông Lê Minh Quốc (sinh năm 1951 tại TP.HCM) đã trúng cử HĐQT Eximbank với tư cách thành viên độc lập tại đại hội cổ đông bất thường của ngân hàng này với tỉ lệ 58,11%.

Giai đoạn từ 2016 – 2018, miễn nhiệm chức danh Quyền Tổng Giám đốc đối với ông Trần Tấn Lộc, bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết – Thành viên HĐQT kiêm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc, bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường Trực, bổ nhiệm ông Yutaka Moriwaki giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank…

Đỉnh điểm vào đầu năm 2019, HĐQT Eximbank bất ngờ công bố nghị quyết 112 bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam A Bank) thay thế.

Đến ngày 22/5/2019, HĐQT Eximbank thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020. Nhưng chỉ trong vòng một năm sau đó, ghế chủ tịch lại được chuyển sang cho ông Yasuhiro Saitoh, người trước đó giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng.

Ngày 13/4/2021, chỉ trong một giờ đồng hồ EximBank liên tục công bố những nghị quyết xoay vòng “ghế nóng” từ ông Yasuhiro Saitoh, sang ông Nguyễn Quang Thông và quay trở lại ông Yasuhiro Saitoh – Đại diện theo ủy quyền của SMBC.

Ngày 15/2/2022, sau ba lần hoãn Eximbank mới tổ chức được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai và bầu ra thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2020 – 2025. Bà Lương Thị Cẩm Tú nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn thể thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) với 7/7 phiếu bầu cho vị trí Chủ tịch HĐQT.

Sau 15 năm hợp tác, SMBC nắm giữ 15% chính thức rút khỏi Eximbank hồi tháng 10/2022. Từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023, cổ phiếu EIB liên tục được giao dịch thỏa thuận giá từ 25.000 VND đến 27.900 VND.

Ngày 28/6/2023, sau hơn một năm chiếc ghế chủ tịch của Eximbank một lần nữa được thay đổi và bà Đỗ Hà Phương chính thức đảm nhận vị trí này từ ngày 28/6/2023.

Bà Đỗ Hà Phương sinh năm 1984, đã có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng. Bà tốt nghiệp Cử nhân Kế toán – Trường Đại học George Mason (Hoa Kỳ), Thạc sỹ Tài chính quốc tế – Trường Đại học Westminster (Anh Quốc).

Bà Phương gia nhập Eximbank từ năm 2022 với chức danh Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025). Từ năm 2018 đến năm 2023, bà Phương là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners.

Trước đó, nữ Chủ tịch 8X của Eximbank cũng từng tham gia phụ trách các mảng nghiệp vụ liên quan tới tín dụng, quản trị rủi ro tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Cố vấn tài chính tại Công ty TNHH Tài chính Lotus; tham gia các mảng nghiệp vụ liên quan tới kiểm toán, thuế, tư vấn tài chính tại Ernst & Young Hoa Kỳ và Việt Nam.

Ngày 25/1/2024, EIB có quyết định bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc, thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) giữ chức Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII.

HĐQT Eximbank hiện có 7 thành viên gồm bà Đỗ Hà Phương giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Trần Tấn Lộc là Phó Chủ tịch HĐQT, bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng, ông Nguyễn Cảnh Anh và ông Trần Anh Thắng (thành viên độc lập).