CANDLESTICK – Mô hình nến Nhật

0
1696

Khi tham gia giao dịch trên thị trường tài chính, việc sử dụng các mô hình nến Nhật là điều vô cùng quan trọng đối với các trader, đặc biệt là những người giao dịch price action. Vậy mô hình nến Nhật là gì? Hãy cùng Chứng+ tìm hiểu về những kiến thức cơ bản nhất về mô hình nến Nhật trong bài học dưới đây.

1. Tổng quát về nến Nhật

1.1. Nến Nhật là gì?

Nến Nhật (candlestick) là một loại biểu đồ giá được sử dụng vô cùng rộng rãi. Nó được phát minh bởi một thương nhân người Nhật có tên là Munehisa Homma vào thế kỷ 18, với mục đích ban đầu là để ghi chép diễn biến giá gạo. Do có tính ứng dụng cao trong việc phân tích, nến Nhật nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong giới thương nhân và “du nhập” khắp nơi trên thế giới.

Ngày nay, nến Nhật được biết đến và sử dụng bởi gần như tất cả những người tham gia thị trường tài chính. Vì lý do đó, hầu hết các nhà đầu tư đều biết đến và sử dụng loại biểu đồ này để phân tích và đưa ra những quyết định đầu tư thông thái nhất.

1.2. Cấu tạo của nến Nhật

OPEN: Giá mở cửa. CLOSE: Giá đóng cửa. LOW: Giá thấp nhất. HIGH: Giá cao nhất

Một thanh nến bao gồm 2 phần thể hiện các biến động giá tại 1 thời điểm nhất định:

  • Thân nến: Thể hiện biên độ giữa giá mở cửa và đóng cửa
  • Bóng nến: Thể hiện biên độ giữa giá cao nhất hoặc thấp nhất so với giá đóng hoặc mở cửa. (Bóng nến nhìn như que tăm)

Nến Nhật có thể được sử dụng cho bất kỳ khung thời gian nào: Tháng, tuần, ngày, giờ hoặc phút… Chúng được sử dụng để mô tả biến động của giá trong khung thời gian đó. Nếu bạn mở biểu đồ D (Daily), 1 nến thể hiện hành động giá trong 1 ngày. Nếu bạn mở biểu đồ W (Weekly), 1 nến thể hiện hành động giá trong 1 tuần…

Giá mở và đóng cửa được xác định dựa vào màu của các mô hình nến Nhật.

  • Nến tăng (màu sáng) có giá đóng cửa cửa CAO HƠN giá mở cửa.
  • Nến giảm (màu tối) có giá đóng cửa THẤP HƠN giá mở cửa.

Tổng kết có các tình huống xảy ra dẫn đến hình thành Nến như hình dưới đây:

1.3. Ý nghĩa của mô hình nến

Một cây nến đơn giản như vậy nhưng lại ẩn chứa trong nó rất nhiều thông tin về diễn biến giá, về tâm lý giao dịch:

  • Cây nến tăng có thân nến dài và bóng ngắn trên đồ thị ngày, bạn có thể hiểu rằng bên mua đã gần như áp đảo hoàn toàn bên bán trong ngày hôm đó và ngược lại.
  • Cây nên có bóng nến dài cả trên và dưới, thân nến ngắn thể hiện trong phiên giằng co rất mạnh, biên độ biến động lớn. Cuối phiên giá về gần trạng thái cân bằng.
  • Cây nến có bóng nến dài bên dưới và không có bóng bên trên, thân nến ngắn thể hiện trong phiên bên bán chiếm ưu thế nhưng cuối phiên 2 bên đưa về trạng thái cân bằng. Ngược lại, phân tích tương tự.
  • Nếu giá đóng gần bằng hoặc bằng giá mở (gần như không có thân nến ta gọi là nến Doji) thì tâm lý nhà đầu tư đang giằng co, bên mua và bên bán chưa phân thắng bại.

Khi kết hợp các nến với nhau sẽ ra được mô hình tâm lý để có thể phân tích và đưa ra quyết định giao dịch. 

2. Các Mô hình nến đảo chiều tăng

2.1. Mô hình nến cây Búa (Hammer)

Mô hình nến Cây Búa là một mô hình nến có thân nhỏ và bóng nến dưới dài ít nhất gấp đôi thân nến, bón nến trên gần như không có, trông giống như một cây búa.

Đây là một mô hình nến đảo chiều tăng được hình thành sau một đợt giảm giá, dấu hiệu cho thấy lực mua đang dần xuất hiện để kìm hãm các lực bán ra giúp lực mua đẩy ngược giá từ mức thấp lên cao, giúp giá đóng gần như cao nhất trong phiên.

Những phiên sau là những phiên tăng điểm sẽ phát ra tín hiệu chắc chắn hơn cho việc đảo chiều xu hướng từ giảm sang tăng trong ngắn hạn.

2.2. Mô hình Sao Mai (Morning star)

Mô hình Morning Star hình thành sẽ xác nhận tín hiệu đảo chiều từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng ngắn hạn, mô hình bao gồm:

  • Ngày 1: Nến giảm giá với thân nến dài.
  • Ngày 2: Nến tăng giá hoặc tăng giá với thân nến nhỏ.
  • Ngày 3: Nến tăng giá với thân nến dài.

2.3. Mô hình Ba chàng lính trắng (Three white soldiers)

Mô hình Three white soldiers xảy ra trong ba ngày, bao gồm các nến với thân nến dài màu xanh lá cây (hoặc trắng) liên tiếp với bóng nến nhỏ. Giá mở và giá đóng của nến đứng sau dần dần cao hơn nến ngày hôm trước.  Đó là một tín hiệu tăng rất mạnh xảy ra sau một xu hướng giảm, và cho thấy một sự gia tăng ổn định của áp lực mua.

2.4. Mô hình nhấn chìm tăng (Bullish Engulfing)

Mô hình nhấn chìm tăng được hình thành từ hai nến. Cây nến đầu tiên là cây nến giảm với thân nến nhỏ, cây nến thứ 2 là cây nến tăng với thân nến dài ôm toàn bộ cây nến giảm trước đó. Mô hình hình thành xác nhận tín hiệu đảo chiều ngắn hạn.

2.5. Mô hình Đường xuyên tăng (Piercing line)

Mẫu Piercing là một mẫu nến đảo chiều làm tăng giá. Mẫu gồm 2 nến cơ bản:

  • Ngày 1 – Nến giảm với thân nến dài.
  • Ngày 2 – Nến tăng với thân nến dài tương đương hoặc hơn nến giảm trước đó. Nến ngày thứ 2 phải có mức giá đóng cửa nằm trên mức 50% thân nến giảm. Giá mở cửa cây nến thứ 2 thường thấp hơn giá dóng cửa cây nến thứ 1.

Mô hình thể hiện, mặc dù mở cửa giá thấp hơn cả giá đóng cửa ngày hôm trước nhưng lực mua vào mạnh giúp giá đóng cửa trên 50% thân nến thứ 1. Đây là tín hiệu sức cầu đang chủ động chiếm ưu thế và đánh dấu mức suy giảm của lực cung.

3. Các Mô hình nến đảo chiều giảm

3.1. Mẫu hình nến Sao băng (Shooting Star)

Mẫu Shooting Star được tạo ra khi thân nến ngắn, bóng nến trên dài, thông thường dài ít nhất là gấp 2 lần độ dài của thân nến, gần như không có bóng nến dưới.

Mô hình này được xem như là một mô hình nến giảm giá mạnh bởi vì sự giảm giá đã loại bỏ được hoàn toàn xu hướng tăng giá mạnh trước đó, sự tăng giá này đã đẩy giá lên rất cao nhưng cuối cùng lực bán đã xuất hiện ở mức giá cao nhất trong ngày và đã đưa giá đóng cửa thấp hơn mức giá mở cửa.

  • Bóng trên dài của mẫu Shooting Star ngụ ý rằng: thị trường đã thử thách nhà đầu tư để tìm kiếm mức kháng cự hay chỗ mà lực cung được thiết lập. Khi thị trường tìm được vùng kháng cự là mức giá cao nhất trong ngày, lúc này sự giảm giá cũng đã bắt đầu đẩy đường giá đi xuống thấp hơn và cuối cùng dừng lại gần với mức giá mở cửa. Như vậy sự giảm giá đã loại bỏ phần lớn xu hướng tăng giá được hình.
  • Sự giằng co mạnh mẽ ở vùng giá cao trong phiên đã có kết quả khi giá mở cửa và giá đóng cửa xấp xỉ nhau. Điều này thể hiện áp lực bán vùng cao mạnh và chiếm ưu thế hoàn toàn so với lực mua.

3.2. Mô hình nến Sao hôm (Evening Star)

Mẫu Evening Star gồm có 3 nến:

  • Ngày 1 – Nến tăng với Thân Lớn. Sự tăng giá chiếm ưu thế tuyệt đối.
  • Ngày 2 – Nến Giảm hoặc Nến Tăng với thân Nhỏ. Dấu hiệu tăng giá vẫn được duy trì nhưng xu hướng tăng giá này không được mạnh mẽ như trước.
  • Ngày 3 – Nến giảm với Thân Lớn. Xu hướng giảm giá này đã đẩy đường giá xuống sâu, cây nến này thể hiện việc toàn bộ nỗ lực trước đó bị lấy đi một cách dễ dàng.

3.3. Mô hình nến ba con quạ đen (Three Black Crows)

Mô hình nến Ba con quạ đen bao gồm ba cây nến đỏ dài liên tiếp với bóng nến ngắn hoặc không. Mỗi phiên mở ở một mức giá tương tự như ngày hôm trước, nhưng áp lực bán đẩy giá càng ngày càng thấp với mỗi lần đóng.

Các nhà giao dịch giải thích mô hình này là sự khởi đầu của một xu hướng giảm giá, vì lực bán đã vượt qua lực mua trong ba ngày giao dịch liên tiếp.

3.4. Mô Hình Nhấn Chìm Suy Giảm (Bearish Engulfing)

Mô hình bao gồm hai Nến:

  • Ngày 1 – Nến Tăng nhỏ hơn: Thân nến của nên tăng giá Ngày 1 được chứa trong thân nến của cây nến giảm của ngày thứ 2.
  • Ngày 2 – Nến Giảm lớn hơn: Áp lực bán mạnh mẽ hơn làm giá đẩy xuống thấp hơn giá mở của của ngày hôm trước.

Tín hiệu đảo chiều giảm giá chắc chắn hơn khi phiên hôm sau tiếp tục là phiên giảm giá kém thanh khoản lớn.

3.5. Mô Hình Mây Đen Che Phủ – Dark Cloud Cover

Tương tự như các mẫu Mô Hình Nhận Chìm Suy Giảm (Bearish Engulfing Pattern ). Có hai thành phần của một Mô Hình Mây Đen Che Phủ:

  • Ngày 1 – Nến Tăng với thân nến dài.
  • Ngày 2 – Nến Giảm với thân nến dài và giá đóng cửa dưới 1/2 của thân nến Ngày 1. Ngoài ra, giá mở cửa của ngày 2 tạo khoảng cách tăng so với giá đóng cửa của ngày 1.

4. Các Mô hình khác

4.1. Mô hình nến Spinning Top – Con xoay

Mô hình nến xoay có thân nến nhỏ và bóng nến dài là dấu hiệu cho thấy cả 2 phe bán – mua đều không thể giành quyền kiểm soát thị trường. Spinning Top áp dụng sau xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm. Khi một chuỗi nến giảm tạo ra xu hướng giảm, dễ dàng nhận thấy bên bán đang giành quyền kiểm soát. Tuy nhiên, mô hình nến Spinning Top xuất hiện sau một xu hướng giảm, bên bán đã dần đánh mất quyền kiểm soát và một chu kì giá sideway hay đảo chiều sẽ luôn được kì vọng theo sau đó. Ngược lại tương tự.

4.2. Mô hình nến Marubozu

Marubozu (Nến Không Bấc) là một cây nến mà không có râu nến với phần thân dài, tức chỉ có giá mở cửa và giá đóng cửa. Nghĩa là giá mở cửa và giá đóng cửa đã trùng với giá cao nhất hoặc thấp nhất phiên. Marubozu trong tiếng Nhật còn có nghĩa là “Trọc”.

  • Nến Marubozu tăng cho thấy phe mua kiểm soát toàn bộ phiên giao dịch từ đầu đến cuối. Nến Marubozu giảm cho thấy phe bán kiểm soát toàn bộ phiên giao dịch từ đầu đến cuối.

Marubozu thường xuất hiện khi thị trường tăng giá hoặc giảm giá mạnh. Điều này cho thấy trong quá trình mua bán và giao dịch không có sự do dự của các nhà đầu tư, một khi họ mua là mua luôn và bán là bán luôn. Khi giao dịch với dạng nến Marubozu, người ta thường tận dụng sự áp đảo của một phe và đà đi của giá để giao dịch. Giống như chiếc xe đang chạy nhanh thì không thể dừng lại ngay lập tức.

4.3. Mô hình nến Doji

Nến Doji cho thấy sự cân bằng giữa phe mua và phe bán. Cả phe mua và phe bán đều không thể giành quyền kiểm soát và kết quả về cơ bản là một trận hòa.

Tuy nhiên Doji có vài biến thể với ý nghĩa khác nhau:

  • Dragonfly Doji cho thấy phe mua từ chối giá thấp hơn khi tăng áp lực mua vào cho đến thời điểm cuối phiên giao dịch. Qua đó cho thấy phe mua đang có lợi thế lớn hơn khi bước qua phiên giao dịch sau.
  • Gravestone Doji cho thấy phe bán từ chối giá cao hơn khi tăng áp lực bán ra cho đến thời điểm cuối phiên giao dịch. Qua đó cho thấy phe bán đang có lợi thế lớn hơn khi bước qua phiên giao dịch sau.

Khi thị trường có thông tin tác động sẽ đẩy giá đi theo một hướng. Chẳng hạn trong trường hợp giá tăng, phe mua sẽ liên tục mua vào. Theo đà tâm lý ngày càng có nhiều người nhảy vào mua hơn khiến giá đi quá cao. Trong quá trình giá đi lên, có một bộ phận nhà đầu tư cho rằng giá đã đi quá cao và bán xuống dần. Khi phe mua và phe bán ngang bằng nhau thì giá không còn tiếp tục đi lên được nữa và tạo thành mẫu hình nến Doji. Lúc này, những người đang trực chờ bán nhận thấy rằng lực mua đã cạn kiệt và họ quyết định dồn lệnh bán xuống. Lực bán áp đảo khiến cho thị trường đảo chiều đi xuống.

Xét trong xu hướng tăng, tín hiệu đảo chiều xác nhận khi xuất hiện 1 cây nến Doji + cây nến giảm với thân nến dài. Ngược lại tương tự.

 

Chúc các Bạn có nhiều kiến thức và giao dịch thành công!

Happy trading!

 

___________

* Tải phần mềm phân tích kỹ thuật Amibroker

* Đọc thêm Phân tích kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here