FED tăng lãi suất và thị trường chứng khoán Việt Nam?

0
250
1. Cục Dự trữ Liên bang (FED) là gì?

Cục Dự trữ Liên bang (tiếng Anh: Federal Reserve System – Fed) hay Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ. Bắt đầu hoạt động năm 1913 theo “Đạo luật Dự trữ Liên bang” của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngày 23 tháng 12 năm 1913.

Đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, FED có các vai trò:

  • Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tác động các điều kiện tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn
  • Giám sát và quy định các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn, vững vàng và bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng
  • Duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính
  • Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính thức nước ngoài, và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.
2. Tại sao FED tăng lãi suất?

Trên thị trường tài chính thế giới, mỗi khi FED đưa ra quyết định gì đó, nó đều có sự ảnh hưởng vô cùng lớn không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Lý giải cho nguyên nhân này đến từ một lý do duy nhất “Đồng USD”.

Đồng USD hiện nay được coi là đồng tiền quyền lực nhất trên thế giới, trở thành đồng tiền chung cho vô vàn hoạt động thương mại quốc tế và được dùng để định giá cho nhiều hàng hóa trao đổi khác nhau.

Hiển nhiên, khi FED – Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ khi đưa ra những chính sách đều sẽ tác động trức tiếp đến nền kinh tế Mỹ và đồng USD. Và với sức ảnh hưởng của “đồng tiền chung”, mọi chính sách của FED cũng sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Vậy tại sao, FED lại tăng lãi suất? Thông thường khi một nền kinh tế đang có đà tăng trưởng mạnh thì ngân hàng trung ương sẽ đưa ra các chính sách tăng lãi suất nhằm hút tiền từ thị trường giúp kiểm soát tốt nền kinh tế. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Nhiều nhà kinh tế học đã chỉ ra, xét theo những lần tăng lãi suất trước của FED, đều dựa vào những nguyên nhân sau đây:

  • Nền kinh tế đang tăng trưởng quá nhanh: Khi kinh tế đang có đà tăng trưởng mạnh, việc tăng lãi suất một cách từ từ không khiến cho nền kinh tế suy giảm, đồng thời còn là sự chuẩn bị cho những lần giảm lãi suất để kích cầu sau này, khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.
  • Điều chỉnh lãi suất theo tình hình lạm phát:  Lãi suất thực (lãi suất thực tế) = (Lãi suất công bố) – (Lạm phát). Giả sử tỷ lệ lạm phát giữ ở mức 2% thì với lãi suất công bố là 2.25%, lãi suất thực chỉ là 0.25%.
  • FOMC (Ủy ban Thị trường mở liên bang) có thể muốn tăng lãi suất là để đưa tỷ lệ lãi suất thực lên mức “trung tính” (neutral). Bởi theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ trung tính (mức lãi suất mà không làm tăng hay giảm mức cầu tổng thể) đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.
  • Các nhà kinh tế cho rằng cần phải tăng lãi suất để ngăn chặn tình trạng vay tiêu dùng quá mức và các bong bóng đang nổi lên trên thị trường nhà ở cũng như thị trường các tài sản khác.

Việc nắm bắt được các lý do giúp chúng ta nhìn ra được bức tranh toàn cảnh của thị trường.

3. Tác động đến thị trường Chứng khoán Việt Nam

Fed tăng lãi suất, có nghĩa là họ rút bớt tiền từ thị trường, điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế Mỹ và thế giới. Như vậy, đồng đô la sẽ có giá trị hơn, lãi suất đô la tăng, chi phí vốn cao hơn, lợi nhuận giảm. Khi đồng đô la tăng giá, dòng tiền dịch chuyển từ lãi suất thấp đến lãi suất cao sẽ tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI, thanh khoản sẽ căng thẳng hơn, gây khó khăn trong việc thực thi kế hoạch đầu tư.

Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong nước, lợi thế khá lớn khi họ thu về nguồn đô la có giá cao so với đồng nội tệ làm tăng lợi nhuận. Nếu là hàng nhập khẩu, người tiêu dùng phải mua giá cao hơn do đồng đô la tăng giá. Nếu nguyên phụ liệu phụ thuộc thị trường bên ngoài, chắc chắn doanh nghiệp phải tính đến giải pháp thay thế hàng nhập khẩu để cạnh tranh, thậm chí thu hẹp sản xuất.

Cho đến nay, tỷ giá đô la vẫn ổn định,  Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu ổn định tỷ giá, sẵn sàng tung tiền từ dự trữ ngoại hối khá dồi dào để can thiệp. Nền kinh tế đang hứng khởi và được tiếp sức bởi các con số rất ấn tượng về tăng trưởng mục tiêu: GDP, xuất nhập khẩu, các chỉ số sản xuất, tiêu dùng, các chỉ số về tín dụng, tiết kiệm… Rõ ràng chúng ta đã chuẩn bị kỹ, định liệu mọi kịch bản từ sự điều chỉnh lãi suất của Fed.

Kể từ năm 2014 đến nay, FED đã có 10 lần thực hiện thu hẹp chính sách tiền tệ, bao gồm 1 lần dừng gói nới lỏng định lượng (QE) năm 2014 và 9 lần nâng lãi suất trong giai đoạn 2015-2018. Đối với chỉ số Vnindex, trong 10 lần thu hẹp chính sách tiền tệ, trung bình VN-Index điều chỉnh nhẹ 0,12% trong vòng 1 tuần trước thềm cuộc họp của FED. Sau khi thông tin tiêu cực đã phản ánh vào giá, thị trường phục hồi trở lại.

Lần điều chỉnh mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những đợt FED thắt chặt chính sách tiền tệ là đợt năm 2018, hay cụ thể nhất là tháng 06/2018.

Trong thời gian đó, thị trường gặp phải các đợt điều chỉnh lớn do ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và 4 đợt tăng lãi suất liên tiếp của FED khiến dòng vốn nước ngoài rút mạnh khỏi Việt Nam là nguyên nhân chính khiến thị trường điều chỉnh giảm mạnh.

Nhờ các chính sách kinh tế có hiệu quả, tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp, cán cân thương mại thặng dư, mức dự trữ ngoại hối cao, lãi suất USD tăng không tạo ra áp lực đối với nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam nhờ các biện pháp giảm tỷ lệ nợ vay nước ngoài của Chính phủ trong thời gian gần đây. Cho nên việc FED tăng lãi suất có thể không gây tác động quá tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Hy vọng bài viết trên sẽ cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin hữu ích về chính sách của FED tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam và đưa ra các quyết định, điều chỉnh phù hợp cho danh mục đầu tư của mình.

Nguồn: Tổng hợp

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here