Bài học đắt giá nhất từ những nhà đầu tư hàng đầu thế giới
Không ai có thể đưa ra được những quyết định đầu tư đúng đắn mà không trả qua những sai lầm. Từ đó, họ rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc và tự điều chỉnh lại chiến lược để thành công hơn trong tương lai.
Bloomberg đã trò chuyện với một số chuyên gia tài chính hàng đầu, nhờ họ kể lại những trải nghiệm trong hành trình đầu tư của bản thân, và quan trọng hơn là họ đã học được gì từ những trải nghiệm đó.
Bài học đầu tư đắt giá nhất mà ông/bà có được là gì?
1. Bill Gross
Nhà từ thiện và nhà đầu tư, người đồng sáng lập và điều hành quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới Pacific Investment Management Co.
Tôi đã sớm học được một bài học đắt giá về sự nguy hiểm của đòn bẩy. Trên thực tế, tôi đã mua trái phiếu Chính phủ Mỹ với đòn bẩy 10:1 chỉ vài tháng trước khi bắt đầu sự nghiệp tại Pimco.
Khi đó, tôi có khoản vốn tiết kiệm 10,000 USD nhờ quá trình đầu tư trước đó – quá trình đã giúp tôi học được rằng bất kỳ khoản đặt cược nào cũng nên giới hạn ở mức 3% tài sản ròng có thanh khoản của bạn. Tôi hoàn toàn phớt lờ điều đó khi quyết định mua 100,000 USD trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm, nhưng chỉ trong vài tuần, trái phiếu này mất giá, khiến tôi mất một nửa số tiền tiết kiệm. Tôi có thể phạm nhiều sai lầm trong suốt 40 năm tiếp theo trên thị trường trái phiếu, nhưng không có mất mát nào lớn hơn (về tỷ lệ phần trăm) như trường hợp đó.
Bài học là gì? Cờ bạc thuộc về sòng bạc. Đầu tư đòi hỏi phải sử dụng vốn thận trọng và tránh sử dụng đòn bẩy quá mức.
2. Ann Miletti
Giám đốc đầu tư chứng khoán của quỹ Allspring Global Investments
Hãy tin tưởng vào trực giác của bạn. Vào đầu những năm 1990, tôi từng ngồi họp với một công ty sản xuất máy nhắn tin hàng đầu cùng với một thành viên cấp cao trong đội ngũ đầu tư của chúng tôi. Công ty này khi đó đang giới thiệu một sản phẩm sẽ tính phí người dùng. Khi chúng tôi thử nghiệm nó, tôi ước tính mức phí phải trả là 300 USD/tháng và các thành viên cấp cao trong nhóm ước tính ra 500 USD/tháng.
Trực giác của tôi và những gì tôi đã tìm hiểu về công ty nói rằng những thành viên đăng ký của họ thậm chí không đủ khả năng chi trả 100 USD/tháng cho sản phẩm này. Nhưng chúng tôi vẫn nắm giữ cổ phiếu vì tôi tin tưởng vào bảng tính và các con số từ những người cấp cao hơn – vì khi đó tôi còn trẻ, vẫn đang tìm hiểu về ngành này và nghi ngờ bản thân mình. Tôi đáng lẽ đã phản đối quyết định đó, nhưng tôi đã không làm vậy. Công ty này phá sản sau hai năm. Trước đó chúng tôi đã bán nó, nhưng đó vẫn là một bài học cay đắng.
3. Alex Pack
Đối tác quản lý của Hack VC
Đầu tư là một môn thể thao đồng đội chứ không phải là màn trình diễn đơn độc của một thiên tài nào đó. Điều quan trọng là bạn hợp tác với ai. Ngay cả Warren Buffett cũng cần tới “cánh tay phải” Charlie Munger, còn Horowitz cần Andreessen.
4. Thomas Lee
Đối tác quản lý của Fundstrat Global Advisors
Tôi đã học được từ nhiều năm trước rằng: Thông tin có vẻ tích cực đối với một cổ phiếu không có nghĩa là cổ phiếu đó phải tăng giá. Điều quan trọng là phải hiểu liệu tin tốt đó đã được phản ánh vào giá hay chưa.
Tôi từng là nhà phân tích chứng khoán phụ trách cổ phiếu ngành viễn thông không dây. Tôi đã dành nhiều giờ nghiên cứu những công ty mà tôi tin là có khả năng công bố lợi nhuận cao. Nhưng thường các công ty công bố lợi nhuận lớn thì giá cổ phiếu lại không tăng. Từ đó, tôi học được rằng vấn đề sẽ nằm ở việc tin tức đó như thế nào so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm của tôi về thị trường sau này.
5. Abby Miller Levy
Đồng sáng lập của Primetime Partners
Kiên nhẫn là điều rất khó với nhà đầu tư. Hiện chúng tôi đang tập trung vốn đầu tư mạo hiểm của mình vào các sản phẩm và dịch vụ để kéo dài tuổi thọ (longevity).
Trong lĩnh vực này, các sản phẩm cũng như dịch vụ mới thường mất nhiều thời gian hơn để được cộng đồng chấp nhận, đặc biệt là ở các phân khúc được quản lý chặt chẽ như dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tài chính.
Chúng tôi đã học được cách cảnh giác với những tuyên bố phi thực tế về việc thâm nhập hoặc tiếp nhận thị trường nhanh chóng, và chỉ rót vốn cho những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ “bắt buộc phải có” (must haves), giải quyết được các vấn đề cấp bách, thay vì những doanh nghiệp cung cấp loại dịch vụ “có cũng được, không có cũng không sao” (nice to haves).
6. Shuhei Abe
Người sáng lập của Tập đoàn Sparx
Năm 2002, tôi thuyết trình trước một quỹ hưu trí công nổi tiếng ở Mỹ để kêu gọi rót vốn cho quỹ đầu tư chuyên đi gắn kết những người bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Chúng tôi đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản để thuyết phục họ thay đổi theo hướng có thể tăng giá trị công ty. Tôi nhận được 200 triệu USD cho vòng gọi vốn hạt giống, và số tiền này sau đó đã tăng lên khoảng 3 tỷ USD.
Nhưng rồi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008, quỹ hưu trí quyết định rút tiền và chúng tôi phải giải thể quỹ. Tôi rất tiếc vì phải dừng chiến lược mà tôi đang phát triển khi đó. Nếu không giải thể và tiếp tục nắm giữ các khoản đầu tư, chúng tôi đã có một khoản đầu tư tăng gấp 3 lần giá trị trong vài năm sau đó và một công ty được mua lại. Lẽ ra chúng tôi đã có thể phát triển nhanh hơn và trở thành “quỹ KKR của Nhật Bản”.
Ngày nay, gắn kết doanh nghiệp (cách thức gắn kết những con người bên trong và bên ngoài doanh nghiệp để tăng giá trị cho doanh nghiệp) là một chiến lược rất phổ biến ở Nhật Bản. Sự hối tiếc này đã truyền cảm hứng cho tôi để không từ bỏ những ý tưởng và niềm tin mà tôi biết sẽ thành công sau này.
7. Christine Phillpotts
Nhà quản lý danh mục đầu tư cho chiến lược giá trị tại các thị trường mới nổi của Ariel Investments
Điều quan trọng là phải thấu hiểu các bên liên quan tới khoản đầu tư, bao gồm cả Chính phủ. Ví dụ, các biện pháp kiểm soát vốn của Nigeria và chính sách tiền tệ bất thường của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây áp lực lên tỷ giá và thanh khoản trong một thời gian. Vì vậy, chúng tôi đã đầu tư vào các nhà xuất khẩu Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ, những doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự mất giá của các đồng tiền này.
Nhưng với tư cách là nhà đầu tư bằng đồng USD, tình trạng mất giá tiền tệ cùng mối lo ngại về việc không thể đưa tiền ra khỏi đất nước đã lấn át tiềm năng tăng trưởng về lợi nhuận. Chính phủ ở các thị trường phát triển và mới nổi không phải lúc nào cũng đưa ra các quyết định mang lại lợi ích tốt nhất về sự ổn định và tăng trưởng.
8. William Bernstein
Giám đốc của Efficient Frontier Advisors và là tác giả của cuốn sách The Four Pillars of Investing
Vấn đề là hiểu được mối quan hệ giữa vốn đầu tư (investment capital) và vốn nhân lực (human capital). Tổng tài sản của mỗi người bao gồm cả vốn đầu tư và vốn nhân lực.
45 năm trước, tôi là một nhà thần kinh học trẻ tuổi và sở hữu nhiều vốn nhân lực – một tài sản tương đối an toàn giống như một trái phiếu.
Trong giai đoạn tích lũy tài sản lúc đầu, cổ phiếu ít rủi ro hơn nhiều, nhưng khi về cuối đời, khi sức khoẻ suy yếu dần, cổ phiếu tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với bạn. Nhưng khi còn trẻ, bạn có nhiều vốn nhân lực, nhưng lại có ít vốn để đầu tư, vì vậy bạn khó đầu tư mạnh ngay từ đầu. Nếu tôi hiểu điều đó thì hôm nay tôi đã giàu có hơn, mặc dù có lẽ cũng chẳng hạnh phúc hơn là bao.
Theo Bloomberg