Phân tích Ngành nghề trong đầu tư Chứng khoán

0
1005

Muốn lựa chọn một cổ phiếu, bạn sẽ làm gì đầu tiên? Liệu có phải là xem giá cả đang là bao nhiêu hay lượng cổ tức thu về hiện tại? Hãy cẩn thận vì việc đốt cháy giai đoạn sẽ khiến cho mức độ rủi ro trong đầu tư chứng khoán vốn đã không nhỏ nay càng tăng cao.

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư mới hoặc lâu năm vẫn bỏ qua việc phân tích ngành. Chỉ tập trung vào phân tích tình hình tài chính của công ty hoặc các biến động thị trường đã khiến cho phán đoán của họ trở nên không hiệu quả, đặc biệt vào thời kì khủng hoảng khi mọi hoạt động sản xuất, làm ăn trở nên trì trệ, tất cả các công cụ phân tích vi mô đều cho kết quả bế tắc. Lúc này, phân tích ngành sẽ giúp bạn thấy được tia sáng trong thời kì u ám, đảm bảo an toàn cho lựa chọn đầu tư trung và dài hạn.

Để phân tích một ngành nào đó, trước hết, nhà đầu tư cần có cái nhìn tổng quan về ngành, đồng thời so sánh vị thế cạnh tranh của ngành đó so với các ngành khác trong nền kinh tế. Tiếp theo là phân tích chu kỳ kinh doanh của ngành, đặt câu hỏi liệu ngành này đang ở chu kỳ nào, có phù hợp với tình hình vĩ mô và chu kỳ kinh tế hay không. Bước cuối cùng, nhà đầu tư phải có được các số liệu về mức lợi suất sinh lời và rủi ro của ngành để đưa ra các con số định lượng chính xác nhất.

1. ĐÁNH GIÁ QUY MÔ NGÀNH

Trước hết, hãy bắt đầu với quy mô ngành. Quy mô ngành có thể đánh giá thông qua sản lượng và giá trị sản xuất của ngành (được công bố bởi tổng cục thống kê Việt Nam). Hãy so sánh với các ngành khác để thấy được vị thế ngành trong nền kinh tế. Từ các dữ liệu hàng năm về tỉ lệ tăng trưởng, vị thế ngành, mức đầu tư và quan tâm của nhà nước cũng như các nhà đầu tư khác, chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được xu hướng phát triển trong thời gian tới của ngành, từ đó lựa chọn đầu tư vào một doanh nghiệp trong ngành đó.

2. CÁC NHÂN TỐ CẠNH TRANH TIỀM ẨN

Chỉ nhìn vào dữ liệu quá khứ chưa bao giờ là đủ, cần đánh giá và dự báo trước các yếu tố tiềm ẩn có thể xuất hiện trong tương lai. Ví dụ ngành ngân hàng, các ngân hàng đều dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ cho vay/huy động cao (lending deposit ratio – LDR) trên 100%, khiến lợi nhuận bị “hãm” bởi nợ xấu và gây nhiều rủi ro khác. Các ngân hàng yếu kém biến mất nhường chỗ cho các ngân hàng có sức khoẻ tốt hơn, với xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) tạo cơ hội tốt cho các nhà đầu tư vào ngành này.

3. CÁC NHÂN TỐ DẪN DẮT NGÀNH TRONG TƯƠNG LAI

Mỗi ngành đều có đặc thù riêng và bị các yếu tố nhất định chi phối. Xét đến các nhân tố này giúp cho chúng ta phản ứng thêm nhạy bén với các tin tức mới và giảm độ trễ trong quyết định đầu tư.

Ví dụ ngành thép Việt Nam trước kia phải nhập khẩu trung bình 12 triệu tấn HRC mỗi năm để phục vụ cho sản xuất. Nhưng từ năm 2019, Formosa – với nhà máy sản xuất HRC có công suất thiết kế 4,5-5 triệu tấn, đã đáp ứng 65% nhu cầu nội địa, ổn định HRC trong nước. Cùng với đó, giai đoạn 2 của dự án Dung Quất với khả năng sản xuất 2 triệu tấn HRC sẽ được triển khai vào đầu năm 2020, giúp ngành thép cuộn Việt Nam giảm rủi ro nhập khẩu HRC.

Các yếu tố xã hội cũng không thể bỏ qua. Sự thay đổi trong số lượng và cơ cấu dân số cũng có ảnh hưởng mạnh đến ngành, đặc biệt là các ngành liên quan đến sản phẩm tiêu dùng.

4. PHÂN TÍCH CHU KỲ KINH DOANH CỦA NGÀNH

Trong nền kinh tế, các ngành khác nhau có khả năng phản ứng khác nhau trước những thay đổi của chu kỳ kinh doanh. Sự thay đổi của các yếu tố vĩ mô có quan hệ mật thiết với sự thay đổi của ngành, tuy nhiên không phải lúc nào cũng biến động cùng chiều.

Trong chu kỳ suy thoái kinh tế, vẫn có những ngành giữ được phong độ ổn định. Đó là những ngành vật dụng cơ bản thiết yếu như thực phẩm, y tế, vật liệu xây dựng. Điều này đã được chứng minh trên thị trường chứng khoán Việt Nam với sự tăng trưởng ngoạn mục trong quá khứ của các cổ phiếu ngành sắt thép: VIS, HSG, KKC…, ngành mía đường: BHS, LSS…, các cổ phiếu nhóm Sông Đà: SJS, SD1, SD2,…

Tuy nhiên, khi kinh tế vào chu kỳ tăng trưởng, những ngành đó lại khó đạt được tăng trưởng đột phá. Dòng tiền khi ấy lại tìm đến những ngành có mức sinh lời nhanh như nhóm tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dịch vụ như các mã ACB, STB, VCB, SHB, CTG, KLS, BVS, SSI hay các đại gia: HAG, SJS,NTL, BCI,…

Ngoài ra, mỗi ngành lại có đặc thù về mùa vụ kinh doanh. Ví dụ các doanh nghiệp ngành đạm thường bán hàng tốt nhất vào giai đoạn bón phân cho vụ Hè Thu và vụ Xuân. Hay các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản thường hạch toán ghi nhận doanh thu vào quý 2 và quý 4, tạo kết quả kinh doanh đột phá và giá cổ phiếu cũng biến động tích cực theo.

 

Bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here